Thứ sáu,  20/09/2024

Nước sạch cho các cơ sở giáo dục: Vấn đề cần quan tâm

(LSO) – Bằng sự nỗ lực trong nhiều năm, các địa phương đã căn bản đáp ứng đủ nước hợp vệ sinh cho các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn từ nguồn cung cấp đến chất lượng nước.

   Tỷ lệ “sạch” còn thấp

Trong 7 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lạng Sơn đã kiểm tra 68 mẫu nước tại các cơ sở cung cấp nước có công suất từ 1000 m3/ngày đêm trở lên, đã có 27/68 mẫu không đạt chỉ tiêu quy định (tỷ lệ 39,71%); kiểm tra 5 mẫu tại cơ sở cung cấp nước có công suất dưới 1000 m3/ngày đêm, có 2 mẫu không đạt quy định (tỷ lệ 40%). Trung tâm cũng thực hiện ngoại kiểm việc thực hiện các quy định đảm bảo vệ sinh nguồn nước tại 11 điểm trường của 11 huyện, thành phố. Kết quả: có 7/11 trường đạt vệ sinh theo quy định tại Thông tư 50/2015 của Bộ Y tế (tỷ lệ 64%) và còn 4/11 trường chưa đạt (tỷ lệ 36%).

Ở một số địa phương, khi kiểm tra cơ sở cung cấp  nước thì các điều kiện vệ sinh vẫn đảm bảo, chất lượng nước “đầu ra” đạt yêu cầu song khi kiểm tra cơ sở sử dụng nước, thì  do điều kiện vệ sinh kém nên chất lượng nước đã bị “xuống cấp”. Như vậy, vẫn còn một tỷ lệ đáng kể các cơ sở giáo dục chưa quan tâm đến việc vệ sinh trong vận chuyển, chứa đựng và dụng cụ sử dụng nước, làm ảnh hưởng đến chất lượng nước đã được cung cấp.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lạng Sơn xét nghiệm nước uống đóng chai

Trong năm học 2018 – 2019, trung tâm cũng đã thực hiện xét nghiệm các mẫu  nước tại các cơ sở giáo dục. Trong đó, xét nghiệm 299 mẫu nước uống trực tiếp, bao gồm nước đóng chai, đóng bình do các cơ sở cung cấp nước cung ứng; xét nghiệm chất lượng nước đã qua máy lọc tại một số cơ sở giáo dục. Kết quả, có 228 mẫu đạt quy chuẩn (tỷ lệ 76,25%) và 71 mẫu không đạt (tỷ lệ 23,75%). Xét nghiệm  161 mẫu  nước dùng để chế biến thực phẩm tại 161 bếp ăn tập thể, có 105 mẫu đạt quy chuẩn (tỷ lệ 65,2%) và 56 mẫu không đạt quy chuẩn (tỷ lệ 34,8%). Xét nghiệm  101 mẫu nước sinh hoạt, có 68 mẫu đạt quy chuẩn ( tỷ lệ 67,3%) và còn 33 mẫu không đạt  (tỷ lệ 32,7%). Như vậy có thể nói rằng, tỷ lệ nước uống trực tiếp, nước dùng cho chế biến thực phẩm và nước sinh hoạt không đạt yêu cầu còn khá cao. Đây chính là nguy cơ tiềm tàng gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.

   Thực trạng hạ tầng nước sạch nhà trường

Trên thực tế, nước sinh hoạt tại các cơ sở giáo dục phụ thuộc vào nguồn và hệ thống nước sinh hoạt tại địa phương và nước uống cho học sinh lại phụ thuộc vào sự năng động của các nhà trường. Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nên nguồn cung cấp nước sinh hoạt rất  phong phú; chất lượng nước phụ thuộc vào các cơ sở cung cấp nước và nguồn nước.

Theo thống kê, toàn ngành  giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có 1.171 công trình nước sạch, trong đó có  219 công trình nước máy, 429 nước giếng, 523 công trình khác. Trong số này, các cơ sở giáo dục ở khu vực thành phố, thị trấn được dùng nước máy nên khá ổn định, các cơ sở ở khu vực nông thôn (Hữu Lũng, Chi Lăng, Lộc Bình, Tràng Định…) dùng nước giếng, chất lượng khá đảm bảo. Tuy nhiên, có đến trên 50% cơ sở giáo dục dùng nước  được lấy trực tiếp từ khe, suối, bể lắng cạnh sông suối…, chất lượng nguồn nước này phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên hoặc ngoại cảnh, rất dễ bị ô nhiễm từ phân gia súc, gia cầm, thậm chí có nguy cơ nhiễm chất độc từ thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ mà người dân sử dụng trong nông nghiệp. Toàn ngành GD&ĐT vẫn còn 150 đơn vị chưa có hệ thống nước sinh hoạt, chủ yếu là tại những điểm trường lẻ, điều kiện cung cấp nước còn nhiều khó khăn.

Trong nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, ngành y tế sẽ tích cực đẩy nhanh thực hiện Dự án “Mở rộng quy mô vệ sinh và cung cấp nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” nhằm cải thiện cơ bản tình hình nước sạch trên địa bàn nông thôn, và như vậy việc cung cấp nước sạch cho các điểm trường sẽ được cải thiện. Mặt khác, việc sáp nhập các điểm trường, xây dựng cải tạo lại công trình phòng học và các công trình phụ trợ tại các điểm trường vùng khó khăn cũng giúp thu hẹp các điểm trường thiếu công trình nước sạch.

Về vấn đề nước uống trực tiếp cho học sinh, rất cần sự phối hợp chỉ đạo và hướng dẫn của ngành GD&ĐT và y tế trong kiểm soát chất lượng của nước uống đóng chai, đóng bình, cũng như tiêu chuẩn và cách lắp đặt hệ thống xử lý nước tại các cơ sở giáo dục.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)