Thứ sáu,  20/09/2024

Quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

(LSO) – Câu chuyện về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không phải là mới, nhưng đang là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay. Toàn tỉnh hiện có gần 200.000 học sinh các cấp, vì vậy, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Trong mỗi năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường quan tâm, chú trọng hoạt động này và triển khai bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trong đó, cùng với việc dạy bộ môn giáo dục công dân, các trường cần tăng cường các giờ học ngoại khóa, các hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm phù hợp với chương trình giáo dục và đặc điểm tâm lý học sinh. Từ năm học 2018 – 2019 đến nay, các trường trong toàn tỉnh tổ chức được hàng trăm buổi ngoại khóa như: thăm đường biên, cột mốc; thăm doanh trại bộ đội, quê hương anh Hoàng Văn Thụ… góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao nhận thức cho học sinh.

Học sinh Trường THPT Việt Bắc tham gia hoạt động tư vấn học đường

Cô Ngô Thu Hà, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà trường luôn quan tâm tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại; qua các hoạt động đoàn, đội  như: tổ chức cắm trại, thi tìm kiếm tài năng, thi thời trang bảo vệ môi trường, duy trì cho học sinh hát Quốc ca khi chào cờ; tập thể dục buổi sáng, giữa giờ,… giúp các em nâng cao kỹ năng sống.

Để việc giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đạt hiệu quả, nhiều đơn vị đã có những bước đi sáng tạo, thông qua triển khai các phong trào nhân ái như: “Lá lành đùm lá rách”, “Kế hoạch nhỏ”, “Hũ gạo tình thương” và các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm…. Đồng thời, các trường tăng cường phối hợp với các đơn vị, nhất là lực lượng công an để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho học sinh; tác hại của ma tuý và trách nhiệm của học sinh, sinh viên trong phòng chống ma tuý; phòng, chống tác hại của game online trong học đường… Từ đầu năm học 2019 – 2020 đến nay, các trường trong toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức được hàng trăm buổi tuyên truyền về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy.

Cùng đó, hằng năm, các trường đều tổ chức ít nhất 2 lần họp phụ huynh toàn trường để ngoài việc thông tin tình hình học tập thì giáo viên còn thông tin về hạnh kiểm của học sinh. Từ đó, có giải pháp phối hợp giáo dục đối với học sinh có hạnh kiểm chưa tốt.

Em Hoàng Đức Long, học sinh lớp 9A, Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Ở trường và trên lớp, chúng em luôn được các thầy, cô dạy phải giúp đỡ nhau trong học tập và trong cuộc sống, có lối sống lành mạnh và biết giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Do đó, cùng với việc học, em luôn ý thức phải tu dưỡng đạo đức thật tốt, không tham gia các hành động vi phạm pháp luật.

Đặc biệt thực hiện phong trào “nhà giáo giúp đỡ học sinh tiến bộ”, các giáo viên đăng ký giúp đỡ các học sinh tiến bộ về học tập và hạnh kiểm. Trong năm học 2018 – 2019, đối với cấp tiểu học, có 8.992 học sinh chưa đạt chuẩn được phụ đạo, giúp đỡ, trong đó có 8.523 học sinh chuyển biến về học tập và đạo đức; cấp THCS có 3.496 giáo viên tham gia giúp đỡ 7.973 học sinh, kết quả: có 5.650 học sinh tiến bộ về học tập và 1.972 học sinh tiến bộ về hạnh kiểm; cấp THPT có 1.467 giáo viên tham gia giúp đỡ 4.697 học sinh, kết quả: có 3.316 học sinh tiến bộ về học tập, 973 học sinh tiến bộ về hạnh kiểm.

Với những cách làm hiệu quả, ý thức và đạo đức học sinh ngày càng có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Nếu như năm học 2016 – 2017, cấp THCS có 79,17% học sinh đạt hạnh kiểm tốt; cấp THPT có 75,1% học sinh đạt hạnh kiểm tốt, thì đến năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh đã có có 82,2% học sinh cấp THCS đạt hạnh kiểm tốt và 78,3% học sinh cấp THPT đạt hạnh kiểm tốt.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh để các em trở thành những người công dân có đức, có tài, đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội.

HOÀNG TÙNG