Thứ sáu,  20/09/2024

Nguy cơ gia tăng cận thị học đường

(LSO) – Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tật khúc xạ (gồm các bệnh loạn thị, viễn thị, cận thị) đang có xu hướng gia tăng trong môi trường học đường. Trong số đó, cận thị chiếm tỉ lệ cao nhất. Điều này khiến học sinh gặp không ít bất tiện trong học tập, sinh hoạt.

Theo kết quả kiểm tra sức khỏe đầu năm, Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) có đến 623/912 học sinh mắc bệnh cận thị , chiếm 68%. Cô Nông Thị Linh, nhân viên y tế nhà trường cho biết: Cứ đến đầu năm học mới, nhà trường đều triển khai kiểm tra khám mắt định kỳ cho học sinh và tỷ lệ học sinh mắc bệnh cận thị rất cao. Trước thực trạng này, chúng tôi thường tư vấn cho giáo viên chủ nhiệm sắp xếp vị trí ngồi học hợp lý, đồng thời tuyên truyền cho phụ huynh đưa con đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để đeo kính mắt cho phù hợp, đảm bảo quá trình học tập của các em không bị ảnh hưởng.

Nhân viên y tế Trường Tiểu học Kim Đồng đo mắt định kỳ cho học sinh

Tương tự, tại Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Lạng Sơn) có 39/480 học sinh mắc bệnh cận thị, chiếm gần 10%. Cô Hoàng Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hằng năm, nhà trường thường phối hợp với Trạm Y tế phường Vĩnh Trại tổ chức kiểm tra sức khỏe đầu năm; trong đó có kiểm tra thị lực cho học sinh, nếu em nào mắc bệnh cận thị, nhà trường sẽ sắp xếp chỗ ngồi hợp lý nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường tuyên truyền cho phụ huynh đưa con đi khám mắt định kỳ, tránh tình trạng tật cận thị nặng hơn.

Theo thống kê từ Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, có 146 trường hợp trẻ em dưới 15 tuổi mắc cận thị đến khám và điều trị. Bác sĩ Bạch Ngọc Sỹ, Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Lứa tuổi mắc mắc cận thị nhiều nhất là từ 11 đến 16 tuổi. Nếu không phát hiện sớm để có điều chỉnh kịp thời, tật cận thị sẽ diễn biến nặng hơn.

Tình trạng cận thị học đường có chiều hướng gia tăng trước hết là do việc học tập căng thẳng ảnh hưởng đến thị lực của học sinh. So với trước đây, học sinh hiện nay phải học nhiều môn nên tiếp xúc với sách vở nhiều hơn. Lịch học dày đặc, mắt không được nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý khiến cho ngày càng có nhiều học sinh mắc các tật về mắt, trong đó có cận thị. Bên cạnh đó, tư thế ngồi không đúng làm cho khoảng cách từ mắt đến sách, vở quá ngắn cũng khiến cho học sinh bị mắc tật cận thị.

Một lý do khác dẫn tới cận thị ở lứa tuổi học sinh là việc trẻ thường xuyên tiếp xúc, sử dụng các thiết bị điện tử ở khoảng cách quá gần. Anh Nguyễn Văn Hiếu (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) có con học lớp 3 mắc bệnh cận thị cho biết: Năm ngoái, thấy con hay dụi mắt và bảo nhìn không rõ, tôi đưa con đi khám thì cháu bị cận thị và phải đo kính. Ngoài giờ học, con thường hay xem ti vi quá gần và thường xuyên xem điện thoại.

Để ngăn ngừa cận thị ở học sinh, theo bác sỹ Bạch Ngọc Sỹ, mỗi gia đình nên chú trọng chăm sóc mắt cho các em từ khi còn nhỏ. Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu nhìn không rõ, cần cho con đi khám tại các cơ sở chuyên khoa. Bên cạnh đó, cha mẹ và các thầy cô cần chú ý điều chỉnh tư thế ngồi học, khoảng cách từ mắt đến sách vở cho học sinh. Gia đình nên hạn chế cho trẻ nhìn gần và lâu vào ti vi, điện thoại. Ngoài ra, bữa cơm gia đình cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin chăm sóc mắt.

Cận thị hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng đến học tập và hoạt động cuộc sống, nếu không được phát hiện kịp thời và điều chỉnh bằng kính thì độ cận có xu hướng tăng, trẻ có nguy cơ bị bong võng mạc, dẫn đến mù lòa. Vì vậy, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường để giáo dục cho trẻ tự điều chỉnh thói quen sinh hoạt là điều kiện cần thiết để giúp các em chăm sóc và bảo vệ đôi mắt khỏe, đẹp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tình trạng cận thị học đường xuất hiện ở hầu hết các cấp học từ bậc tiểu học đến THPT. Cận thị là tật khúc xạ về mắt chỉ thấy rõ các vật ở gần trước mắt nhưng không thấy rõ vật ở xa. Theo các nhà chuyên môn nhãn khoa, 80% lượng thông tin mà não nhận được là qua mắt. Do đó, cận thị sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ, gây ra các hiệu ứng tiêu cực về sinh hoạt và kết quả học tập, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai của các em.

 

THÙY DUNG