Thứ sáu,  20/09/2024

Thiết thực từ chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh

(LSO) – Nhận thức được tầm quan trọng của tiếng Anh trong xu thế toàn cầu hóa nên ngày càng có nhiều phụ huynh muốn con làm quen với ngôn ngữ này ngay từ lứa tuổi mầm non. Nắm bắt xu hướng đó, các trường mầm non đã chủ động liên kết với các trung tâm ngoại ngữ uy tín tổ chức dạy tiếng Anh cho trẻ. Mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Có dịp đến dự một tiết học tiếng Anh tại Trường Mầm non 8/3 (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn), chúng tôi được hòa mình cùng không khí háo hức, sôi nổi của lớp học. Cô và trò cùng hòa nhịp qua những bài hát tiếng Anh, điệu nhảy vui tươi và các trò chơi thú vị. Tuy thời gian học chỉ 30 phút nhưng các em tiếp thu bài rất nhanh. Việc học tiếng Anh như một hành trình khám phá, vừa học vừa chơi khiến các em cảm thấy rất vui vẻ.

Chị Hoàng Kim Yến, phụ huynh cháu Bùi Hoàng Hải (học sinh lớp 5A4, Trường Mầm non 8/3) cho biết: Tôi nhận thấy qua các tiết học tiếng Anh, khi về nhà, con rất vui và tự tin diễn tả lại các từ mới được học. Ở lớp, cháu cũng được các cô đánh giá là ngày càng mạnh dạn xung phong phát biểu hơn.

Trẻ học tiếng Anh tại Trường Mầm non 8/3

Được biết, Trường Mầm non 8/3 là một trong những trường đầu tiên thực hiện cho trẻ tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ năm học 2014 – 2015. Hiện trường có 9 lớp với khoảng 250 trẻ ở độ tuổi 4 – 5 tuổi tham gia học tiếng Anh. Các cháu rất hứng thú tham gia tiết học, hầu hết trẻ phát âm tốt, ghi nhớ từ sâu. Hằng năm, trường tổ chức cho các bé giao lưu tiếng Anh với người nước ngoài thông qua các chương trình: “Xứ sở thần tiên”, “ Cuộc đua kì thú”…

Trao đổi về vấn đề cho trẻ làm quen với tiếng Anh, chúng tôi được cô Phạm Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình cho biết: Hiện trường có 4 lớp với gần 200 trẻ ở độ tuổi 4 – 5 tuổi tham gia học tiếng Anh. Trẻ rất hứng thú, say mê với tiết học và nắm được yêu cầu của từng chủ đề. Tôi rất mong muốn tiếng Anh sẽ được đưa vào là một môn học chính thống để các em có điều kiện học tốt hơn.

Cháu Đinh Bảo Uyên, học sinh lớp 5 tuổi A, Trường Mầm non Tuổi thơ (phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) thích thú chia sẻ: Học tiếng Anh thích lắm cô ạ. Chúng con được học, được chơi rất nhiều trò chơi và con còn được thưởng mặt cười nữa.

Hiện việc tổ chức học tiếng Anh tại các trường mầm non không bắt buộc. Do đó, việc tuyên truyền để phụ huynh hiểu mục đích, ý nghĩa và đồng thuận đăng ký cho con tham gia là rất cần thiết; không chỉ tạo điều kiện cho trẻ sớm được tiếp xúc với tiếng Anh mà còn giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Từ đó, sẽ tạo cho trẻ niềm đam mê học tiếng Anh .

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm học 2018 –  2019, đã có 3 huyện (Chi Lăng, Lộc Bình, Cao Lộc) và thành phố Lạng Sơn tham gia chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, dự kiến năm học 2019 – 2020 sẽ có thêm 2 huyện là Bình Gia và Hữu Lũng đăng ký tham gia. Số trẻ được làm quen với tiếng Anh liên tục tăng qua các năm (từ năm 2014 đến năm 2019 tăng 2.749 trẻ). Để đảm bảo hiệu quả, Sở GD&ĐT đã thẩm định, cho phép hai đơn vị tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ là: Công ty Cổ phần Bình Minh và Trung tâm ngoại ngữ, tin học tỉnh. Qua 6 năm triển khai, chương trình bước đầu đã nhận được những kết quả tích cực. Phụ huynh đồng tình đăng ký cho trẻ học, bản thân các trẻ học tiếp thu khá tốt. Quá trình học diễn ra song song với chủ đề của trường mầm non, chương trình đảm bảo phù hợp với trẻ và các em học theo hình thức “vừa học vừa chơi” nên rất thoải mái và không tạo áp lực.

Bà Vi Thị Giao, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non, sở GD&ĐT cho biết: Hằng năm, Sở luôn quan tâm chỉ đạo các trường coi việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là một nhiệm vụ cần triển khai trong năm học. Trong quá trình đó, sở theo dõi qua hình thức tham dự trực tiếp, nghiên cứu báo cáo để lắng nghe ý kiến, quan sát kết quả và có điều chỉnh hợp lý sao cho chương trình đạt hiệu quả tốt nhất. Trong thời gian tới, sở sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình này để có nhiều trẻ được tiếp cận với tiếng Anh hơn.

Tin rằng với sự nỗ lực từ ngành giáo dục và sự ủng hộ từ phía phụ huynh, việc cho trẻ làm quen sớm với tiếng Anh sẽ làm phong phú thêm kết quả thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển.

LƯƠNG THẢO