Thứ sáu,  20/09/2024

Chú trọng ôn tập kiến thức cho học sinh cuối cấp

(LSO) – Trong tình hình học sinh phải nghỉ học dài hạn để phòng ngừa dịch Covid-19, ngành giáo dục tỉnh đã hướng dẫn các trường thực hiện việc ôn tập kiến thức cho học sinh các cấp, nhất là học sinh lớp 9 và lớp 12 để các em có đủ kiến thức trước khi bước vào các kỳ thi quan trọng.

Thời gian nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch học tập và thi cử của học sinh, nhất là học sinh cuối cấp. Do vậy, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị, trường học tổ chức hiệu quả công tác ôn tập cho học sinh. Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trên cơ sở hướng dẫn của bộ, sở đã hướng dẫn ôn tập cho học sinh lớp 9 và 12 phù hợp với tình hình. Theo đó, thời gian qua, sở đã chỉ đạo các trường học tận dụng triệt để mạng Internet, mạng xã hội, kênh phát sóng ôn tập của các đài truyền hình trên toàn quốc… để hướng dẫn học sinh các khối lớp của cấp THCS, THPT cập nhật, ôn tập kiến thức. Trong đó, các trường phải tăng cường liên hệ với phụ huynh, học sinh, hướng dẫn gia đình các kênh ôn tập để phụ huynh theo dõi, đôn đốc học sinh tự học.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn ôn tập môn Tiếng Anh qua mạng trực tuyến tại nhà

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh, ngành giáo dục đã tích cực phối hợp Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình phát sóng, hướng dẫn học sinh khối lớp 9, ôn tập kiến thức đối với 3 môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. Đồng thời thành lập tổ cốt cán phụ trách các môn: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, xây dựng đề cương, tổ chức nội dung ôn tập phù hợp với thời lượng chương trình, phù hợp với chuẩn kiến thức cần ôn tập… Các bài giảng truyền hình là các bài tiếp nối trong chương trình lớp 9 năm học 2019 – 2020 sẽ góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi tuyển sinh.

Ngoài ra, các trường có thể hướng dẫn giáo viên, học sinh tham khảo lịch phát sóng các bài học (do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng) trên kênh truyền hình giáo dục quốc gia (kênh VTV7 và một số kênh truyền hình trung ương khác) và các kênh truyền hình khác được công bố trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thầy Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh khối 9 tại nhà; các bài hướng dẫn nội dung ôn tập tập trung vào 3 môn thi tuyển sinh lớp 10 gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ; tăng cường các kỹ năng làm bài cho học sinh, làm đề thi tuyển sinh trong giới hạn kiến thức mà các em đã học. Thông qua các kênh quen thuộc của mạng xã hội như Facebook, Zalo và website của trường, giáo viên bộ môn gửi bài cho học sinh, đồng thời hướng dẫn các em sửa bài cùng lời giải để các em tham chiếu.

Giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, hướng dẫn học sinh ôn tập qua kênh Youtube

Đối với khối THPT, cùng với dạy học trực tuyến, các trường cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá công tác giảng dạy của giáo viên để xây dựng nội dung ôn tập phù hợp. Thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng tuần, các thầy cô trong trường vẫn giao ban chuyên môn để nắm bắt tình hình học tập ở nhà của học sinh. Đồng thời, các thầy cô xây dựng nội dung giáo án, giao bài tập về nhà cho các em phù hợp với việc giảng dạy trực tuyến với nội dung bám sát chương trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia.

Tất cả các biện pháp kết nối với học sinh qua mạng xã hội đều được các nhà trường thông báo đến phụ huynh và học sinh để cùng nắm bắt. Em Hoàng Duy Đức, học sinh khối 12, Trường THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Từ khi nhà trường tổ chức dạy trực tuyến, trung bình mỗi ngày, em dành từ 3 – 4 giờ đồng hồ để học trực tuyến với thầy cô giáo. Lịch học như vậy, em có thể chủ động ôn tập bù đắp những kiến thức hổng và duy trì nề nếp học tập bình thường như đi học hằng ngày.

Để giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh cuối cấp học và ôn tập, ngành giáo dục linh hoạt tổ chức các giải pháp ôn tập. Mặc dù vậy, các giải pháp được ngành và các nhà trường đưa ra cũng chỉ là hỗ trợ học sinh, để phụ huynh yên tâm trước thời gian nghỉ dài. Điều quan trọng nhất vẫn chính là ý thức, sự chủ động của các em trong việc học, có như vậy, việc dạy và học mới trở nên hiệu quả.

HOÀNG TÙNG