Thứ sáu,  20/09/2024

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Sự chuẩn bị chu đáo về công tác giáo viên

(LSO) – Chỉ còn ít ngày nữa, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) sẽ bước vào giai đoạn then chốt của công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT), đó là thay sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Quán triệt, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, ngành GD&ĐT đã làm nhiều việc chuẩn bị cho công việc quan trọng này.

Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới giáo dục Việc thay SGK có liên quan mật thiết đến đổi mới cách tiếp cận kiến thức, xử lý và tổ chức cho học sinh lĩnh hội kiến thức, vì vậy, muốn đưa sự nghiệp đổi mới giáo dục vào cuộc sống, trước hết phải đổi mới tư duy, phương pháp của đội ngũ giáo viên. Ngay từ năm 2014, khi đón nhận Nghị quyết  số 29, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” và Chương trình hành động số 100 ngày 23/1/2014 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29, ngành GD&ĐT đã tăng cường quán triệt trong đội ngũ cán bộ, giáo viên về tinh thần đổi mới; đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Ngành GD&ĐT tập huấn thay SGK lớp 1 năm học 2020 – 2021

Cùng với việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện chương trình GDPT bảo đảm đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, ngành đã tăng cường rà soát, tinh giản biên chế đối với các cá nhân không đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới. Đến nay, trong tổng số 10.805 cán bộ, giáo viên phổ thông, số cán bộ, giáo viên có trình độ đại học và sau đại học là 6.503 người (đạt tỷ lệ 60,18%). Đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm học 2018 – 2019 có 93,87% đạt loại khá và tốt. Cùng với việc rà soát, đánh giá, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, việc áp dụng loại hình trường học mới VNEN, phương pháp giảng dạy mới (phương pháp bàn tay nặn bột) và gần đây là dạy học STEM vào thực tiễn hoạt động dạy và học đã góp phần đổi mới tư duy, nhận thức của giáo viên trong hoạt động sư phạm, giúp họ tiếp cận nhiều hơn, mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá.

Cô Dương Hồng Minh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT cho rằng: Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và căn cơ, chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học đã được nâng lên nhiều. Họ lại được cọ sát bằng các mô hình và phương pháp mới trong nhiều năm nên không ngại đổi mới, sẵn sàng bước vào công cuộc thay sách giáo khoa trong năm học mới này.

Sau khi quán triệt các văn bản của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, ngành đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nghiên cứu sâu về Quyết định 404 ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT” chú ý về quan điểm giáo dục mới để xác định tư tưởng, đồng thời xác định việc đổi mới công tác giảng dạy, đánh giá. Sau đó, cán bộ, giáo viên tập trung nghiên cứu Chương trình GDPT tổng thể ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Do có nhiều vấn đề khác trước, nên tư tưởng “đổi mới căn bản, toàn diện” trong Nghị quyết của Đảng đã được quán triệt một cách cụ thể thông qua thông tư. Quan điểm, mục tiêu, định hướng nội dung giáo dục từng môn học, kế hoạch, thời lượng cụ thể của từng cấp học của giai đoạn giáo dục cơ bản ở cấp tiểu học và THCS, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT đã được mỗi giáo viên nghiên cứu cụ  thể và có liên hệ với thực trạng giáo dục hiện nay để nêu lên những vấn đề mới cần thực hiện.

Việc triển khai chương trình GDPT mới được tiến hành đúng quy trình, từng bước rõ ràng, đúng quy định. Việc chọn sách đảm bảo đúng quy định. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho chương trình, xây dựng tiêu chí lựa chọn sách; tích cực tham gia lựa chọn và tham gia dạy thực nghiệm sách giáo khoa mới. Quán triệt các văn bản của tỉnh, tranh thủ sự hỗ trợ của dự án giáo dục THCS khu vực khó khăn giai đoạn 2 về  triển khai biên soạn tài liệu địa phương. Công tác biên soạn tài liệu địa phương cơ bản đạt tiến độ.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, quyền Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu rất nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra song với tinh thần vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa hoàn thành chương trình năm học, đồng thời đẩy nhanh tiến trình chuẩn bị thực hiện thay SGK lớp 1 năm học 2020 – 2021, các nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục và cán bộ, giáo viên đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tập huấn, dạy thử nghiệm chương trình mới. Hàng trăm giờ thảo luận nhóm, hàng chục tiết dạy trực tuyến đã được thực hiện thành công. Nó không chỉ mang lại tác dụng  thiết thực là không làm đứt gãy loạt kiến thức đổi mới chương trình; không làm đổ vỡ kế hoạch đã xây dựng, mà còn nối dài sự kiên trì, nhân lên quyết tâm giành thắng lợi ngay từ năm đầu thực hiện đổi mới GDPT.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)