Thứ sáu,  20/09/2024

Công nghệ thông tin – điểm tựa để ngành giáo dục và đào tạo phát triển

(LSO) – Trong những năm qua, nhất là năm học 2019 – 2020, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh luôn coi phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

   CNTT đổi mới cách dạy, cách học, phương thức quản lý

Trên cơ sở các chương trình hợp tác giữa ngành với các doanh nghiệp viễn thông trong kiện toàn, nâng cấp và sử dụng CNTT tại các cơ sở GD&ĐT, trong giai đoạn 2010 – 2020, ngành GD&ĐT đã chủ động triển khai đến đâu, đưa vào sử dụng có hiệu quả đến đó.  Năm học 2019 -2020, thực hiện nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, nhất là các phòng họp trực tuyến, ngành GD&ĐT đã tổ chức khảo sát lắp đặt phòng họp trực tuyến tại 3 trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp tại các huyện: Lộc Bình, Tràng Định và Bình Gia; hoàn thành việc triển khai nâng cấp phòng họp trực tuyến tại Sở GD&ĐT, nâng số phòng họp được khai thác có hiệu quả trong toàn  ngành lên 37 điểm cầu. Việc đầu tư máy và phòng vi tính cho cơ sở được đẩy mạnh. Tính đến hết tháng 8/2020, toàn ngành đã có 3.584 máy vi tính phục vụ công tác hành chính, 403 phòng máy với 6.696 máy tính, 2.554 máy chiếu, 1.434 ti vi màn hình lớn và 224 bảng thông minh phục vụ công tác dạy và học. Bên cạnh đó, ngành, công đoàn ngành đã động viên cán bộ, nhân viên, giáo viên tự mua sắm máy vi tính, và coi đó là phương tiện thiết yếu dần thay thế giáo án và việc ghi chép truyền thống. Đến nay, trong số 1.809 cán bộ quản lý và 14.674 giáo viên các cấp, đã có 100% cán bộ quản lý, trên 85% giáo viên có máy vi tính cá nhân. Với việc phổ cập trình độ tin học lên gần 90%, ngành khuyến khích giáo viên soạn bài trên máy vi  tính, bài giảng trình chiếu, ứng dụng phần mềm thí nghiệm ảo và các phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng điện tử phù hợp nội dung và phương pháp bộ môn.

Học sinh Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học ngoại ngữ

Cô Phan Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Chu Văn An cho biết: Tất cả 96 cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có máy vi tính. Việc ứng dụng CNTT trong nhà trường đã đi vào nền nếp và đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học. Ứng dụng CNTT ở Trường THPT Chuyên Chu Văn An đã góp phần thay đổi cách dạy của thầy theo hướng đổi mới giáo dục phổ thông. Cụ thể là thầy ứng dụng CNTT trong soạn giáo án, trình chiếu, tổ chức các hoạt động nhận thức cho học sinh, hướng dẫn học sinh tìm ra chân lý, chứ không thuộc lòng chân lý có sẵn. Sự tham gia của CNTT cũng điều chỉnh cách học của trò, để việc học trở thành một quá trình kiến tạo, trong đó học sinh tìm tòi khám phá, phát hiện, luyện tập, khai thác và xử lý thông tin để hình thành hiểu biết, năng lực và  phẩm chất. Đó là những yếu tố rất cần thiết của học sinh trường chuyên, nhất là trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

   Hiệu quả tích cực

Hạ tầng CNTT ngày càng có chất lượng, đội ngũ cán bộ quản lý được tập huấn, tiếp cận với kiến thức quản lý mới để nâng cao trình độ hằng năm, các trường học đã sử dụng các phần mềm vào quản lý nhà trường như: phần mềm SMAS có 226 trường sử dụng; phần mềm vnEDU có 184 đơn vị sử dụng. Việc điện tử hóa sổ sách đã thay thế dần sổ sách truyền thống như sổ học bạ, sổ điểm; tăng cường CNTT trong việc kết nối giữa nhà trường với phụ huynh. Từ nển tảng CNTT hiệu quả, ngành đang triển khai công tác quản lý hành chính điện tử; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hiện  nay, ngành đang hướng dẫn các đơn vị triển khai rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành đảm bảo chính xác, đúng tiến độ theo quy định của Bộ GD&ĐT. Hiện nay, cơ sở dữ liệu đã được cập nhật thành công và đưa vào khai thác, sử dụng thường xuyên trong công tác quản lý giáo dục từ cơ sở đến Sở GD&ĐT

Tiết dạy môn Giáo dục Công dân trên Truyền hình Lạng Sơn của cô giáo Vi Thị Mai Thanh, Trường THPT chuyên Chu Văn An

Nhờ phát huy tốt cơ sở hạ tầng và có được nguồn nhân lực sử dụng CNTT mà trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, ngành GD&ĐT không bị gián đoạn kế hoạch và “đứt gãy” kế hoạch về tập huấn đội ngũ giáo viên  phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông, cũng như gây khó cho việc học tập của học sinh các cấp. Thông qua hình thức trực tuyến, năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT đã tổ chức 11 cuộc họp, tập huấn  giữa sở với phòng GD&ĐT và các trường THPT.

Đến cuối năm học 2019 – 2020, toàn ngành đã thực hiện 5.376 chủ đề sinh hoạt chuyên môn của giáo viên, nhất là các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, thay sách giáo khoa lớp 1 đối với cán bộ giáo viên cấp tiểu học. Trong suốt thời kỳ phải đóng cửa nhà trường do dịch Covid-19, đội ngũ giáo  viên vẫn được cập nhật kiến thức mới, được trao đổi, thảo luận và có nhiều đề xuất hữu ích phục vụ cho công tác thay sách giáo khoa năm học 2020 – 2021. Với tinh thần “giãn cách xã hội nhưng vẫn nối mạch kiến thức”, CNTT đã giúp ngành giải quyết vấn đề cho học sinh tiếp tục học tập, nhất là công tác ôn thi tốt nghiệp THPT theo hình thức mới. Trong thời gian này, Sở GD&ĐT đã xây dựng được 85 video bài giảng phát trên truyền hình, trong đó có 12 bài giảng/môn cấp THCS, 8 bài giảng/môn cấp THPT; phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tổ chức phát sóng được 4 bài giảng/môn đối với mỗi cấp học. Qua thống kê, số lượng truy cập vào xem các bài giảng trên Website của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh Lạng Sơn  đã đạt gần 66 ngàn lượt đối với cấp THCS và gần 22 ngàn lượt đối với cấp THPT… Những nơi có điều kiện như khu vực thành phố, thị trấn, học sinh tiểu học cũng được học tập theo hình thức trực tuyến sinh động và lý thú. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Quyền Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: CNTT thực sự là chìa khóa, là công cụ để thực hiện đổi mới GD&ĐT, nhất là đổi mới cách dạy, cách học. Do đó ngành vừa coi trọng đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, vừa quan tâm bồi dưỡng nhân lực. Nhờ ứng dụng có hiệu quả CNTT, ngành không chỉ nâng cao chất lượng dạy và học mà còn đổi mới phương thức quản lý một cách đồng bộ và hiệu quả.

MINH HỒNG