Thứ sáu,  20/09/2024

Chú trọng bồi dưỡng dạy trực tuyến cho giáo viên

– Để đảm bảo chất lượng công tác giáo dục, từ năm học 2019 – 2020 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chú trọng bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, giúp giáo viên thực hiện hiệu quả việc giảng dạy trong thời gian học sinh phải nghỉ học để phòng dịch.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm học vừa qua (2019 – 2020, 2020 – 2021), ngành giáo dục cả nước nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng nhiều lần phải điều chỉnh lịch học, chương trình học, buộc các nhà trường cho học sinh nghỉ học và triển khai việc dạy và học trực tuyến qua các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) để đảm bảo yêu cầu “Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. Để dạy học trực tuyến cần có hạ tầng kỹ thuật CNTT, đường truyền, thiết bị kết nối đầu – cuối, các thiết bị phục vụ dạy học, điện thoại thông minh, kho học liệu, các phần mềm… Cùng đó là ý thức của người học và sự đồng thuận, ủng hộ và phối hợp của phụ huynh. Phương pháp này đòi hỏi giáo viên không chỉ nắm vững kiến thức về môn học, bài dạy còn phải có trình độ và có khả năng ứng dụng các thiết bị CNTT (máy vi tính, laptop, điện thoại thông minh…) và phải có kỹ năng quản lý lớp học, thu hút học sinh vào bài giảng…

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với VNPT Lạng Sơn bồi dưỡng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên

Bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Việc dạy học trực tuyến là sự thay đổi lớn và rất cần thiết khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để giúp các giáo viên nắm được phương pháp dạy học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị trực tuyến, quán triệt hướng dẫn các trường và đội ngũ giáo viên về tổ chức lớp học trực tuyến, phương pháp giảng dạy, kỹ năng kiểm tra, ôn tập cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp trong kỳ thi cuối cấp sắp tới.

Để việc dạy trực tuyến đạt hiệu quả, hằng năm, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức CNTT, sử dụng phần mềm học online (Office 365) cho đội ngũ giáo viên. Từ năm học 2019 – 2020 đến nay, Sở GD&ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cách sử dụng phần mềm và kỹ năng dạy trực tuyến cho hơn 500 lượt cán bộ, giáo viên cốt cán các phòng GD&ĐT và các trường THPT; lồng ghép bồi dưỡng nội dung về dạy học trực tuyến cho 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị sau các khóa bồi dưỡng chủ động tổ chức tập huấn lại tại đơn vị cho giáo viên toàn trường. Đặc biệt, trong học kỳ I năm học 2020 – 2021, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng dạy học trực tuyến cho hơn 200 cán bộ, giáo viên cốt cán; phối hợp với Viễn thông Lạng Sơn, Chi nhánh Viettel Lạng Sơn triển khai phần mềm quản lý nhà trường, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng phần mềm dạy trực tuyến cho 420 đơn vị trường học. Hiện đa phần các giáo viên đã thành thạo các kỹ năng dạy học trực tuyến trên các công cụ như: mạng xã hội Facebook, Zalo, qua thư điện tử hoặc các hệ thống như Zoom, Google Classroom, Microsoft Team… để dạy học.

Cô Nguyễn Lý Phương Thủy, giáo viên Trường THCS Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Sau khi được tập huấn, tôi đã biết cách ứng dụng các hệ thống vào giảng dạy. Việc dạy học trực tuyến làm hạn chế tương tác giữa giáo viên với học sinh. Để khắc phục hạn chế này, tôi đã chuẩn bị các bài giảng bằng việc minh họa nhiều số liệu, dẫn chứng, hình ảnh sinh động nhằm tạo hứng thú cho học sinh.

Gắn với triển khai, Sở GD&ĐT đã thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá chất lượng giờ dạy cũng như kỹ năng quản lý giờ dạy trên không gian mạng của giáo viên. Qua giám sát cho thấy đến nay, phần đa giáo viên đã sử dụng tương đối thành thạo phương tiện dạy học trực tuyến. Không chỉ giảng dạy, giáo viên còn triển khai đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng các phiếu học tập, các công cụ kiểm tra, đánh giá qua phần mềm… Trong 2 năm học vừa qua, toàn tỉnh có 70 đến 76% học sinh học trực tuyến các môn thi THPT quốc gia (riêng năm học 2020 – 2021, thực hiện theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT, 100% các trường THPT chuyển sang dạy trực tuyến ôn thi cho học sinh). Cấp tiểu học và THCS có 50% số học sinh tham gia học trực tuyến (còn lại là học trực tiếp).

Sau 2 năm triển khai, đến nay, việc dạy học trực tuyến đã trở nên quen thuộc với giáo viên, dần trở thành phương thức phổ biến, mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác giảng dạy, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp.

Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 432 trường phổ thông với tổng số 11.072 giáo viên, cán bộ quản lý, trong đó, cấp tiểu học là 5.202 người, cấp THCS là 4.300 người, cấp THPT là 1.570 người.
HOÀNG TÙNG