Tuy nhiên, dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến là hai phương thức giáo dục khác nhau, không thể coi là một.

Phải có phương pháp riêng khi dạy học trực tuyến

Sự khác biệt này được bộc lộ rất rõ ở hầu hết các thành tố của một chương trình giáo dục, cả về nội dung và phương pháp, về kiểm tra, đánh giá và cả về cơ sở vật chất, học liệu để tổ chức dạy học và giáo dục. Điều đó có nghĩa để dạy học trực tuyến có chất lượng, cần phải cấu trúc lại chương trình trên cơ sở nội dung chương trình dạy học trực tiếp truyền thống. Dạy học trực tuyến có kế hoạch riêng, phải dựa vào nội dung kế hoạch dạy học trực tiếp đã được tinh giản tối đa. Số tiết học thu gọn và cũng không thể vượt quá 20 tiết/tuần. Thời gian mỗi tiết cũng chỉ khoảng từ 10 đến 20 phút. Điều đặc biệt, khi dạy học trực tuyến phải có phương pháp riêng, có cách tương tác với học sinh riêng, cũng như với phụ huynh và xã hội. Cuối cùng là phải có kho học liệu phong phú cùng cơ sở hạ tầng đủ mạnh, đáp ứng tối thiểu việc tổ chức dạy học trực tuyến.

Cần có chiến lược dạy học trực tuyến
Học sinh khối tiểu học gặp nhiều khó khăn trong học trực tuyến.Ảnh: THU HÀ 

Tựu trung lại, chúng ta phải đào tạo về “giáo dục dạy học trực tuyến” để có một thế hệ giáo viên mới và học sinh mới được “sinh ra” từ dạy học trực tuyến và ở trong môi trường công nghệ số hóa, rộng hơn là ở thời đại công nghệ 4.0. Hiện nay, dạy học trực tuyến là xu hướng của giáo dục hiện đại và đang được nhiều quốc gia đầu tư theo đuổi. Cái chính là nó giúp người học có thể độc lập về thời gian, không gian và trong suốt giai đoạn của cuộc đời. Đó là cách học hiệu quả, vươn tới nhân cách tự học và học tập suốt đời.

Linh hoạt và luôn kết hợp chặt chẽ với dạy học trực tiếp

Tuy nhiên, dạy học trực tuyến không bao giờ có thể thay thế được dạy học trực tiếp, vì mỗi hình thức giáo dục có những đặc thù, điểm mạnh, yếu khác nhau. Vì thế, hai hình thức này không thể thay thế hay phủ nhận lẫn nhau. Chính vì vậy, giáo dục ở các nước phát triển khuyến cáo, phải xây dựng một chiến lược giáo dục quốc gia theo nguyên tắc lồng ghép, song cùng giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến. Cụ thể, kế hoạch giáo dục nhà trường phải đạt được mục đích: Dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; quy định cụ thể môn học nào, thời điểm nào được dạy học trực tuyến và được ghi trong thời khóa biểu hằng tuần. Bằng cách này tận dụng thế mạnh của dạy học trực tuyến, sẽ dư ra phòng học và giảm sĩ số học sinh trong lớp, tận dụng tối đa công năng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như sử dụng kho học liệu, kinh nghiệm dạy học trực tuyến quý hiếm của các trường, các địa phương. Những kỹ năng dạy học trực tuyến đều là những kỹ năng tốt, rất cần cho phong cách học tập mới và vì thế tất cả học sinh đều được rèn luyện, thích nghi trong quá trình các em còn học ở phổ thông. Mặt khác, trong tình trạng khẩn cấp học sinh không thể tới trường, sẽ chủ động, kích hoạt chuyển sang dạy học trực tuyến mà không phải bị động, khó khăn khi học sinh không thể học trực tiếp, như thời gian vừa qua.

Khi giáo dục chưa có được một chiến lược quốc gia về dạy học trực tuyến, chúng ta cần tổ chức dạy học trực tuyến một cách linh hoạt và luôn kết hợp chặt chẽ với dạy học trực tiếp, không áp dụng quá cứng hay chỉ đạo dạy học trực tuyến một cách đồng loạt, theo kiểu “đồng phục” với các nhà trường và ở các địa phương.

Kế hoạch dạy học trực tuyến được xây dựng là khác nhau: Học sinh sẽ không giống nhau trong cùng một lớp; lớp sẽ không giống nhau trong cùng một trường; trường sẽ không giống nhau trong cùng một huyện, quận, thị xã… Do đó, các tỉnh, thành phố phải có kế hoạch dạy học trực tuyến riêng tùy theo điều kiện thực tế. Học sinh lớp 1 và lớp 2 hạn chế dạy học trực tuyến, thay bằng tăng cường rèn luyện kỹ năng sống thông qua môi trường mạng và sự hỗ trợ của gia đình. Do điều kiện khách quan rất khắt khe, nên học sinh nhỏ tuổi muốn học nhưng cũng rất khó để tổ chức dạy học trực tuyến cho các em. Đặc biệt học sinh lớp 1 chưa biết đọc và viết nên khi học trực tuyến phải có cha mẹ học kèm, phải có máy tính hay điện thoại thông minh để làm học liệu. Đó là điều không thể cho hầu hết học sinh nhỏ tuổi trong cả nước. Ngoài ra, đối với kiểm tra đánh giá học sinh bằng dạy học trực tuyến thì ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới không được khuyến khích, bởi khả năng giám sát, sự tin cậy và sự công bằng trong đánh giá là không nhiều và không chắc chắn.

Thách thức của dạy học trực tuyến không hề nhỏ, không phải chỉ vì phương thức giáo dục của nó quá đặc thù mà còn chịu tác động mặt trái tới tâm sinh lý cũng như sức khỏe tâm thần của học sinh và giáo viên. Từ những phân tích nêu trên, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp thì mỗi địa phương, mỗi trường nên có một kế hoạch giáo dục linh hoạt và chi tiết nhằm chủ động, tận dụng tối đa thời gian vàng khi dịch bệnh được kiểm soát để gấp rút dạy học trực tiếp truyền thống, tránh phải dạy học trực tuyến và từ đó để hoàn thành tốt kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.