Thứ năm,  19/09/2024

Ngành giáo dục: Linh hoạt điều chỉnh, giải quyết bài toán thiếu giáo viên

– Hiện nay, toàn tỉnh có hơn hơn 204.000 học sinh nhưng chỉ có 1.834 cán bộ quản lý và trên 14.900 giáo viên các cấp, nên ở nhiều trường vẫn còn thiếu giáo viên giảng dạy. Trước thực trạng đó, từ đầu năm học 2021 – 2022, ngành giáo dục tỉnh đã linh hoạt triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục trên địa bàn.

   Nan giải bài toán thiếu giáo viên

Theo báo cáo, trong tổng số 14.972 giáo viên các cấp, hiện có 13.868 giáo viên trong biên chế và 1.104 giáo viên hợp đồng. Qua rà soát tình hình đội ngũ toàn ngành năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh thiếu 765 người làm việc so với biên chế được giao, thiếu 2.225 người làm việc so với định mức quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV đối với giáo dục mầm non và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT đối với giáo dục phổ thông công lập. Nguyên nhân là  những năm qua, số học sinh tăng dần nhưng ngành giáo dục không được bổ sung đủ biên chế.

Thầy và trò Trường THCS xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc nghiên cứu bài học trong giờ ra chơi

Đơn cử như tại huyện Hữu Lũng, qua rà soát đầu năm học 2021 – 2022, toàn huyện thiếu hơn 300 giáo viên. Để khắc phục, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã tham mưu với UBND huyện tuyển giáo viên hợp đồng tại các trường, tuy nhiên, vừa qua mới chỉ tuyển được hơn 200 giáo viên hợp đồng. Bà Phan Thị Toán, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Việc thiếu giáo viên đã gây khó khăn lớn cho công tác dạy học và tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục của các nhà trường. Mặc dù huyện năm nay được tỉnh phê duyệt hơn 300 chỉ tiêu hợp đồng lao động giáo dục nhưng mới tuyển được hơn 200 giáo viên. Thực tế lương giáo viên hợp đồng không cao, chế độ còn nhiều hạn chế, do đó không thu hút được nguồn nhân lực dồi dào phục vụ công tác GD&ĐT trên địa bàn huyện.

Nguyên nhân của thực trạng này, một phần do phải tinh giản biên chế hằng năm (đảm bảo đạt tối thiểu 10% trong 5 năm, từ năm 2016-2021), theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng đó, theo quy định của Bộ Nội vụ (Công văn 5075/BNV-TCBC năm 2020 về thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế giáo dục và y tế), chỉ cho phép hợp đồng lao động giáo viên còn thiếu trong phạm vi biên chế được cấp thẩm quyền giao chưa sử dụng. Do đó, mặc dù các trường có nhu cầu, địa phương tự cân đối được kinh phí nhưng không thể hợp đồng giáo viên còn thiếu ngoài chỉ tiêu được giao.

   Linh hoạt phương án khắc phục khó khăn

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, sở đã linh hoạt bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hiện có; điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục bảo đảm hợp lý, sử dụng tối đa biên chế được giao; xây dựng lộ trình cụ thể, phù hợp, bố trí đủ giáo viên cho những trường, môn học còn thiếu. Trong đó, ưu tiên cho những khối lớp triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; thường xuyên bồi dưỡng, ưu tiên biên chế để tuyển dụng giáo viên cho những môn học mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để đảm bảo đội ngũ cho năm học 2021 – 2022, ngay sau khi kết thúc năm học 2020 – 2021, ngành giáo dục tỉnh đã tăng cường rà soát, sắp xếp, xây dựng vị trí tuyển dụng, bổ sung giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh tiểu học; tuyển bổ sung giáo viên dạy các môn văn hóa và các môn đặc thù khác ở bậc tiểu học, THCS, ưu tiên các môn thiếu nhiều như: Thể dục, Công nghệ, Sinh học, Tin học…; ưu tiên giáo viên các khối lớp và các trường cấp tiểu học, THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giờ học mẫu tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc (ảnh chụp trước 27/4/2021)

Cùng với đó, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp như điều động giáo viên bậc THCS thừa cục bộ, đối với những giáo viên đủ trình độ, điều kiện theo tiêu chí quy định thì điều động dạy tiểu học, THPT; nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động phân công và động viên giáo viên tăng tiết dạy. Cùng đó, ngành tiếp tục thực hiện sáp nhập các trường có quy mô nhỏ trên cùng địa bàn xã hoặc trên 1 trục đường; đẩy mạnh việc nhập lớp, giảm điểm trường, điều chỉnh quy mô lớp học hợp lý, bảo đảm sĩ số học sinh tối đa trên 1 lớp đối với từng bậc học (năm 2021, ngành đã sáp nhập 1 cặp trường, đến nay, toàn tỉnh còn 674 trường học, giảm 1 trường so với năm 2020).

Ngoài ra, các phòng GD&ĐT huyện, thành phố đã thực hiện phân công giáo viên dạy liên trường, bố trí giáo viên dạy thêm môn để bảo đảm số tiết/tuần theo quy định. Có thể kể đến như huyện Lộc Bình hiện thiếu 158 giáo viên cấp mầm non, tiểu học và THCS theo định mức. Ông Đỗ Công Trung, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Đầu năm học 2021 – 2022, để điều chỉnh việc thiếu giáo viên cục bộ ở các trường, ngoài việc giao các trường tuyển giáo viên hợp đồng, phòng đã linh hoạt bố trí giáo viên dạy kiêm nhiệm ở hai trường khác nhau, trong đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên công tác, phòng đã chú trọng bố trí dựa trên các điều kiện về khoảng cách, vị trí địa lý của các trường để bố trí giáo viên dạy học phù hợp, hiệu quả.

Hay như tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS – THPT Cao Lộc, huyện Cao Lộc, cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi trường được chuyển đổi thành trường liên cấp (năm 2021), thực hiện tuyển sinh và dạy học đối với khối THPT, mặc dù đã được bổ sung giáo viên nhưng nhà trường vẫn còn thiếu 7 giáo viên bộ môn. Để khắc phục, đầu năm học nhà trường đã tham mưu với Sở GD&ĐT linh hoạt bố trí giáo viên các trường THPT trên địa bàn đến dạy học tăng cường tại trường. Qua đó, việc tổ chức dạy học được đảm bảo theo chương trình giáo dục.

Với những giải pháp đó, ngành giáo dục tỉnh đang phấn đấu tiếp tục vượt khó, đảm bảo giáo viên đứng lớp, duy trì, nâng cao chất lượng các mặt GD&ĐT trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021 – 2022 và những năm tiếp theo.

Theo thông tin từ Sở Nội vụ cung cấp, hằng năm, sở ban hành công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị đăng ký nhu cầu lao động theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Trong đó, đối với hợp đồng giáo viên, trên cơ sở đề xuất nhu cầu hợp đồng lao động của các cơ quan, đơn vị, sở đã thẩm định nhu cầu hợp đồng lao động chuyên môn theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cụ thể, tổng số nhu cầu hợp đồng lao động sự nghiệp GD&ĐT năm học 2021 – 2022 đề nghị là 1.647, kết quả, được UBND tỉnh phê duyệt 1.225 chỉ tiêu. Trong đó, các huyện, thành phố được phê duyệt nhiều chỉ tiêu như: UBND huyện Hữu Lũng 333 chỉ tiêu, thành phố Lạng Sơn 187 chỉ tiêu, Chi Lăng 154 chỉ tiêu…

NHÓM PV VHXH