Thứ sáu,  20/09/2024

Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn trung học phổ thông

Mục tiêu của chương trình Ngữ văn trong nhà trường trung học phổ thông (THPT) nhằm góp phần giúp học sinh thêm yêu ngôn ngữ, yêu văn chương, nuôi dưỡng chân-thiện-mỹ, bồi đắp tâm hồn và làm phong phú đời sống tinh thần.

Công tác dạy và học Ngữ văn trong nhà trường THPT vốn luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Tất cả những thay đổi dù lớn hay nhỏ của chương trình, sách giáo khoa, phương pháp tổ chức hoạt động dạy-học hay cách thức kiểm tra đánh giá… đều có thể gây ra những cuộc trao đổi, thảo luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, đối lập với sức nóng mà môn Ngữ văn trong nhà trường THPT có thể tạo ra với dư luận xã hội thì sự quan tâm và hứng thú của học sinh với môn học này dường như ngày càng giảm đi. Nhiều học sinh tốt nghiệp THPT vẫn không viết được một đoạn văn mạch lạc, không thể trình bày lưu loát một vấn đề hay tình trạng học vẹt theo văn mẫu vẫn diễn ra khá phổ biến.

Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn trung học phổ thông
 Học sinh thuyết trình và phản biện theo các chủ đề trong môn học Ngữ văn tại Trường THPT Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: KIỀU TRANG. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021.

 

Những người làm công tác biên soạn chương trình và sách giáo khoa đã có nhiều nỗ lực làm cho văn chương mang hơi thở cuộc sống, thực sự là một môn học nuôi dưỡng thế giới tâm hồn và bồi đắp những phẩm chất cao đẹp, phát triển những phẩm chất và năng lực cốt lõi cho học sinh. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, chương trình Ngữ văn THPT đã trải qua hai lần điều chỉnh với những thay đổi cơ bản về mục tiêu giáo dục, yêu cầu cần đạt và nội dung chương trình. Nếu chương trình Văn học trong bộ sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000 còn thiên trọng cung cấp kiến thức cho người học, thì chương trình Ngữ văn 2006 đã có những điều chỉnh để bảo đảm sự cân bằng giữa truyền thụ kiến thức và giáo dục kỹ năng, đồng thời giáo viên khi giảng dạy cũng phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng được đặt ra trong mỗi bài học. Đến Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Chương trình 2018) thì chú trọng trục kết hợp kiến thức-kỹ năng-phẩm chất-năng lực, chú trọng vận dụng văn chương vào cuộc sống. Chương trình năm 2018 khẳng định mục tiêu của môn Ngữ văn là nhằm “phát triển các năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo… giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học”. Để chuẩn bị cho việc xây dựng và thực hiện chương trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện công tác bồi dưỡng và tập huấn cho giáo viên cả nước từ trước đó vài năm, như năm học 2014-2015 đã tập huấn công tác đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực cho giáo viên cả nước.

Quá trình chuyển đổi từ giáo dục truyền thụ kiến thức của chương trình năm 2000 sang chú trọng kết hợp truyền thụ kiến thức và giáo dục kỹ năng của chương trình năm 2006 rồi đến chú trọng hình thành trục kết nối kiến thức-kỹ năng-phẩm chất-năng lực của chương trình năm 2018 cũng là quá trình thay đổi phương pháp dạy học Ngữ văn trong nhà trường, từ phân tích tác phẩm sang đọc hiểu văn bản đến dạy học lấy người học làm trung tâm. Nếu phương pháp giảng văn theo lối phân tích tác phẩm đề cao đặc biệt vai trò của người thầy, những ý kiến, quan điểm và cách cắt nghĩa tác phẩm của thầy luôn được xem là chân lý thì phương pháp dạy học theo lối đọc hiểu văn bản đã chú trọng hơn vai trò của sự đọc, trao cho người học không gian của sự tự do trong hoạt động đọc hiểu văn bản. Phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm đã tiến thêm một bước nữa trong việc giãn nới không gian tự do trên hành trình đến với tri thức. Với phương pháp này, trung tâm của hoạt động chiếm lĩnh tri thức trong lớp học không còn là người thầy (trung tâm duy nhất) mà là học sinh (đa trung tâm); người thầy không còn là người thuyết giảng chân lý, mà là người tổ chức cho học sinh tự mình chiếm lĩnh tri thức; và quan trọng hơn là giúp học sinh biết tôn trọng sự khác biệt và đạt được sự độc lập trong tư tưởng.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, do quán tính của lối dạy học phân tích tác phẩm, không ít giáo viên vẫn ghi trong giáo án là hướng dẫn học sinh đọc-hiểu văn bản nhưng lại dành phần lớn thời gian để nói lên cách hiểu của thầy và cách phân tích tác phẩm từ các sách hướng dẫn dạy học. Với phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm, nếu người thầy không thấu hiểu một cách rốt ráo đó là phương pháp dạy học chống lại sự độc quyền trên hành trình chiếm lĩnh tri thức, là phương pháp chủ trương khai mở vấn đề trên “nguyên lý đối thoại” thì sẽ không khuyến khích được “những tiếng nói khác” từ phía học trò. Cuối cùng, tiếng nói quyền uy vang lên từ người thầy và các cuốn sách văn mẫu vẫn là tông giọng chủ đạo. Tiếp đó, thành tích ngắn hạn của nhà trường, của địa phương là một áp lực lớn để người thầy sử dụng các bài văn mẫu theo các khuôn khổ sáo mòn làm tài liệu học tập cho học sinh. Chừng nào không có phương thức để buộc người giáo viên Ngữ văn nhận thấy phải thường xuyên tự học, tự đọc để nâng cao trình độ, để ý thức sâu sắc những giới hạn tri thức của chính mình; chừng nào tâm lý học hành cử tử, học để đi thi chưa được quét sạch; chừng nào tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục giữa các địa phương, các nhà trường vẫn thông qua đối chiếu kết quả thống kê cuối những kỳ thi, thì lối dạy học áp đặt, việc người thầy nắm giữ độc quyền thông hiểu tác phẩm, vấn nạn văn mẫu vẫn khó có thể xóa bỏ hoàn toàn.

Nhìn vào nội dung chương trình sách giáo khoa Ngữ văn, đặc biệt là chương trình lớp 12, chúng ta thấy rõ nỗ lực đưa văn chương đến gần hơn với hơi thở đời sống đương đại của những nhà biên soạn. Nếu chương trình Văn học 12 của sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000, phần văn học Việt Nam chỉ dừng lại ở các tác phẩm văn học trước năm 1975, thì đến sách giáo khoa Ngữ văn 12 của chương trình năm 2006, các nhà biên soạn đã đưa các tác phẩm sau năm 1975 (mà chủ yếu là quanh dấu mốc 1986) vào dạy học trong chương trình… Đó chính là ưu điểm của chương trình mới, giúp học sinh được học thứ văn chương của thời đại mình (hay ít nhất cũng rất gần với thời mà các em đang sống), để các em thấu hiểu rằng, giá trị của văn học Việt Nam hiện đại không chỉ là thơ mới, văn chương Tự lực văn đoàn, văn học cách mạng, mà còn có những tác phẩm kết tinh tinh hoa của thời đổi mới. Với chương trình năm 2018 sắp tới, với quan điểm xây dựng chương trình theo hướng mở, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đưa vào danh mục các tác phẩm gợi ý lựa chọn là sáng tác của các nhà văn thời kỳ đổi mới. Nhưng để những giá trị tư tưởng, tinh thần cao đẹp của văn học thời kỳ đổi mới lan tỏa đến mỗi học sinh, rất cần sự nỗ lực học tập, tiếp thu cái mới trong tri thức cũng như phương pháp giảng dạy ở mỗi giáo viên. Cái mới không thể phát huy công năng với những tư duy, tri thức và phương pháp cũ.

Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ áp dụng cho khối THPT từ năm học 2022-2023 với lớp 10. Mục tiêu của chương trình Ngữ văn đặt ra là góp phần giúp học sinh hình thành những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi, là hành trang để các em thực hiện thành công quá trình hội nhập của bản thân, là phương tiện để thích ứng với đổi thay. Chúng ta kỳ vọng rằng, với sự nỗ lực của cả thầy và trò cùng toàn ngành giáo dục, môn Ngữ văn trong nhà trường THPT sẽ góp phần giúp mỗi học sinh đề cao tính độc lập trong tư tưởng, cao đẹp trong tâm hồn và có ích trong đời sống. Như thế có nghĩa là môn Ngữ văn sẽ không bao giờ mất đi vai trò và vị thế của mình trong đời sống xã hội. Bởi suy cho cùng học văn là để học làm người.

Theo Quandoinhandan