Thứ sáu,  20/09/2024

Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học

Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học (ĐH) giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), dành phần lớn chỉ tiêu cho xét tuyển kết hợp hoặc từ kết quả thi đánh giá năng lực.

Những trường ĐH lớn đều đưa ra từ 4 tới 6 phương thức xét tuyển để tạo nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Năm nay, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến tuyển từ 10 đến 15% chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. Còn lại, trường sẽ xét tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Đối với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, trường tuyển theo 7 nhóm đối tượng.

Đó là những thí sinh có chứng chỉ SAT đạt từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên; thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội đạt từ 100 điểm trở lên hoặc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 800 điểm trở lên; thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 đạt từ 20 điểm trở lên, chỉ tiêu dự kiến là 5% tổng chỉ tiêu. Cùng với đó là xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, học sinh hệ trường THPT chuyên kết hợp với hai môn thi tốt nghiệp THPT…

Đa dạng phương thức tuyển sinh đại học
 Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng tăng chỉ tiêu của phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh lên 40-60% tổng chỉ tiêu của trường. Ngược lại, phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 30-60% chỉ tiêu. Trường ĐH Ngoại thương năm nay sử dụng 6 phương thức tuyển sinh. Trường ĐH Thương mại cũng vừa công bố 5 phương thức tuyển sinh năm 2022, trong đó, dành 45-50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và 40-45% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển kết hợp.

Có thể thấy, các trường đã dần giảm bớt chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển truyền thống từ kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hiện đã có gần 50 trường đại học quyết định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức để xét tuyển đại học. PGS, TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức 16 đợt thi đánh giá năng lực năm 2022, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 8. Kỳ thi đánh giá năng lực của trường dự kiến thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh. Các đợt thi sẽ được tổ chức trong các tháng, trong đó tháng 2 dự kiến có một đợt, tháng 3, 6 và 8 có hai đợt, tháng 4, 5 và 7 mỗi tháng có 3 đợt. Ngoài tổ chức thành nhiều đợt tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19, ĐH Quốc gia Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị khác tổ chức kỳ thi ở nhiều điểm thi khác nhau.

Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Hải, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc tổ chức thành nhiều đợt thi ở nhiều nơi sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh. Các em có thể chủ động đăng ký tham gia vào thời điểm và địa điểm mong muốn.

Năm nay, ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 8 trường đại học khối kỹ thuật đã công bố hợp tác tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh những phương thức truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, xét kết hợp chứng chỉ quốc tế…

Theo Quandoinhandan