Sách giáo khoa là một trong 42 loại hàng hóa do Nhà nước định giá quy định tại Phụ lục số 02 kèm theo Luật Giá 2023, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024. Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan có thẩm quyền định giá tối đa đối với sách giáo khoa các cấp.

Cá nhân, tổ chức không được định giá, mua, bán sách giáo khoa cao hơn mức giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Nguyên tắc và căn cứ định giá sách giáo khoa như sau:

– Nguyên tắc định giá: Bảo đảm bù đắp các chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, hợp lệ; lợi nhuận/hoặc tích lũy phù hợp với mặt bằng thị trường, cung cầu hàng hóa, dịch vụ, điều kiện thị trường tại thời điểm định giá và chủ trương, chính sách trong từng thời kỳ;

Sách giáo khoa được Nhà nước định giá từ ngày 1-7-2024

Sách giáo khoa được Nhà nước định giá từ ngày 1-7-2024. Ảnh minh họa

Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng; Điều chỉnh giá khi yếu tố hình thành giá thay đổi.

– Căn cứ định giá: Yếu tố hình thành giá tại thời điểm định giá hoặc thời gian xác định yếu tố hình thành giá trong phương án giá phù hợp với đặc điểm, tính chất của hàng hóa, dịch vụ;

Quan hệ cung cầu của thị trường và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng; Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ.

Những năm vừa qua, giá sách giáo khoa và các quy định in ấn sách (viết bài vào sách giáo khoa gây lãng phí; giá bán sách còn cao…) đã gây bức xúc trong nhân dân, thậm chí có nghi vấn giá sách quá cao vượt khả năng chi trả của nhiều bậc cha mẹ.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/sach-giao-khoa-duoc-nha-nuoc-dinh-gia-tu-ngay-1-7-2024-740306