Đa dạng hình thức dạy và học

Trong hạng mục Kiến thức toàn cầu theo chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm 2022, kỹ năng số của Việt Nam đạt vị trí thấp trên bảng xếp hạng (82/133). Điều đó cho thấy việc thay đổi cách tiếp cận với tiếng Anh và tin học ở nhà trường là cần thiết.

Trước đây, việc dạy và học tiếng Anh, tin học thường được thực hiện theo hình thức truyền thống, với các tiết học trên lớp. Tuy nhiên, từ điều kiện thực tế ở nhiều địa phương, hình thức học này cần đa dạng, tạo điều kiện cho mọi đối tượng, mọi cấp học đều có cơ hội tiếp cận. Một trong những hình thức dạy và học hiệu quả là tổ chức các lớp học miễn phí cho người dân, đặc biệt ở vùng khó khăn.

Nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh
Một tiết học của thầy Nguyễn Trường Nhân, giáo viên tin học, Trường Trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh. 

 

Thầy Nguyễn Trường Nhân, giáo viên tin học Trường Trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh, đã thực hiện chương trình này trong hai năm qua. Mỗi ngày, thầy đi hơn 40km đến các chùa ở Trà Vinh giảng dạy tin học miễn phí cho sinh viên, người dân, các sư.

Thầy Nguyễn Trường Nhân chia sẻ: “Hiện nay các sư trụ trì ở chùa Xoài Xiêm (cũ) tại huyện Trà Cú và chùa Điệp Thạch (TP Trà Vinh) muốn áp dụng tin học để giảng dạy tiếng Khmer. Hơn nữa, các trường hiện nay chỉ dạy môn Tin học 2-3 tiết/tuần, học sinh lại không có điều kiện mua máy vi tính thực hành nên việc học chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”; bởi vậy những lớp miễn phí sẽ giúp người dân, học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng tin học còn thiếu”.

Một điều dễ nhận thấy là để học tin học hay ứng dụng công nghệ thông tin tốt thì tiếng Anh là công cụ hữu ích hàng đầu, giúp học sinh tiếp cận với các nguồn học liệu phong phú, đa dạng, nâng cao hiệu quả học tập.

Cô Trần Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho hay: “Trước đây, người ta thường nhấn mạnh về khái niệm xóa mù chữ, nhưng nay khái niệm “xóa mù tin học, tiếng Anh” được nhắc đến nhiều bởi đây là hai môn học phục vụ nhiều cho tương lai. Do đó, chúng tôi không chỉ tập trung vào hình thức học trên lớp, mà còn kết hợp với các hình thức học qua video, học qua dự án, học lập trình thông qua các trò chơi… để phù hợp với nhu cầu và sở thích của học sinh. Nhiều hoạt động dạy học bước đầu được ứng dụng công nghệ thông tin giúp học sinh tiếp cận với kiến thức và thực hành một cách hiệu quả”.

Nâng cao kỹ năng của giáo viên

Để ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy hiệu quả, giáo viên cũng cần được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng. Từ tháng 12-2022 đến nay, Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế bài giảng STEM, E-Learning và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho gần 400 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS trên các địa bàn còn khó khăn như huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), TP Lai Châu (Lai Châu), huyện Bố Trạch (Quảng Bình) và huyện Phù Cừ (Hưng Yên).

Nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh
Viện Sư phạm Kỹ thuật bồi dưỡng nâng cao năng lực thiết kế bài giảng STEM, E-Learning và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho giáo viên. Ảnh: LÊ HIẾU   

 

Thông qua các chương trình tập huấn, giảng viên và sinh viên đại học đã hỗ trợ giáo viên phổ thông cách sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kết hợp với bảng viết điện tử và tự ghi hình bài giảng theo kịch bản dạy học số bằng những phần mềm ghi hình, ghi âm đơn giản… để thiết kế bài giảng, tăng chất lượng, hiệu quả môn học.

PGS, TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật cho hay: “Chúng tôi tổ chức những khóa bồi dưỡng giúp giáo viên thực hành các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục STEM để dạy học. Qua đó, các thầy cô biết cách khai thác, sử dụng thành thạo phần mềm, tính năng sẵn có trong máy tính cá nhân để soạn thảo những bài giảng số hoặc làm sinh động giờ học, bám sát theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.

Sau đợt đào tạo trực tiếp, các giáo viên sẽ được phân thành nhóm đăng ký và vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học thiết kế bài giảng STEM hoặc E-Learning, hoàn thiện một bài học với sự tư vấn, hỗ trợ, góp ý chỉnh sửa theo hình thức họp trực tuyến. Mỗi nhóm có tối đa 4 giờ làm việc trực tuyến và hoàn thành bài tập trong vòng một tháng. Các bài học này được lưu trữ trên những hệ thống quản lý học tập của Viện Sư phạm Kỹ thuật.

PGS, TS Lê Hiếu Học cũng cho hay: “Để có căn cứ thiết kế những nội dung đào tạo thiết thực cho từng địa phương, trước mỗi khóa học, Viện Sư phạm Kỹ thuật tổ chức các hoạt động đánh giá thực trạng và nhu cầu đào tạo của mỗi địa phương. Sau mỗi khóa học, việc khảo sát ý kiến phản hồi của các học viên cũng được thực hiện nhằm hoàn thiện nội dung giảng dạy và hỗ trợ thêm các thầy, cô ở giai đoạn thiết kế bài giảng sau đào tạo”.

Việc đa dạng hình thức dạy và học, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy là những giải pháp quan trọng góp phần “xóa mù” tiếng Anh, tin học cho những vùng còn khó khăn. Qua đó, người học có cơ hội tiếp cận với hai môn học quan trọng này thời 4.0, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình phát triển của đất nước.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/nang-cao-nang-luc-so-cho-giao-vien-hoc-sinh-742465