Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020 xác định rõ giáo dục là một trong 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số giáo dục trước.

TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Chỉ trong thời gian ngắn, ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả khả quan trong chuyển đổi số, mang lại những thay đổi tích cực trong việc dạy học cũng như công tác quản lý của ngành.

Chuyển đổi số giáo dục cung cấp những giá trị thực về người học

TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ thông tin về chuyển đổi số giáo dục.  

Dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện chuyển đổi số giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông (gần 53.000 trường học), tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo; 1,6 triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; 24 triệu hồ sơ, kết quả học tập của học sinh, tình trạng sức khỏe; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xác thực định danh hơn 23 triệu hồ sơ…

Nguồn dữ liệu chi tiết, cụ thể cũng giúp ngành nắm được một cách chi tiết, cụ thể nhân sự của từng nhà trường, từ đó bóc tách được nhiều vấn đề liên quan như việc thừa-thiếu giáo viên ở từng địa phương, từng môn học; tình hình tiêm vaccine ngừa Covid-19 của học sinh…

Ngành cũng xây dựng kho dữ liệu bài giảng điện tử với gần 7.000 bài giảng cho tất cả các trình độ đào tạo, từng môn học của từng khối lớp, từ mầm non đến trung học phổ thông. Kho học liệu được thiết kế thân thiện, dễ sử dụng để các thầy cô, các em học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm các bài học theo nhu cầu.

Năm 2023 Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu xây dựng cơ sở dữ liệu các trường đại học (HEMIS). Đây là công cụ để cải cách hành chính trong công tác báo cáo, quản lý điều hành. Đồng thời, thông tin mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, danh mục ngành đào tạo, thông tin chương trình đào tạo; thông tin đội ngũ, người học… sẽ giúp đưa các giá trị về thực về người học từ đầu vào đến đầu ra, văn bằng. Từ đó thấy được bản đồ nhân lực của đất nước trong từng năm, giúp các ngành mở chương trình đào tạo sao cho đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với những kết quả đạt được về chuyển đổi số giáo dục, ngành giáo dục cũng xác định những khó khăn về việc kết nối cơ sở dữ liệu, tài nguyên số dùng chung chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi còn khó khăn, nguồn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số còn hạn hẹp.

TS Nguyễn Sơn Hải cho biết, thời gian tới các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được chú trọng để chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam là: Nghiên cứu, thí điểm xây dựng học bạ điện tử (để giải quyết những bất cập của học bạ giấy hiện nay, trong đó có vấn nạn gian lận điểm trong học bạ). Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học (HEMIS). Xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến mở dùng chung; xây dựng khóa học trực tuyến dùng chung; vấn đề công nhận tín chỉ của nhau trên hệ thống. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển đại học, thanh toán lệ phí tuyển sinh, xác nhận nhập học trực tuyến…

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuyen-doi-so/chuyen-doi-so-giao-duc-cung-cap-nhung-gia-tri-thuc-ve-nguoi-hoc-745811