Thứ sáu,  20/09/2024

Sau 1 tháng thực hiện Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia : Tai nạn giao thông được kiềm chế

(LSO) – Sau một tháng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đi vào cuộc sống (từ 1/1/2020), nhiều người sau khi sử dụng rượu bia đã hạn chế điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ đó, tai nạn giao thông (TNGT) nói chung, TNGT có nguyên nhân từ người điều khiển phương tiện uống rượu bia được kiềm chế.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực thi hành được người dân đặc biệt quan tâm, chú ý. Chế tài xử lý nặng, “đánh vào túi tiền” của người vi phạm và việc xử lý kiên quyết của lực lượng chức năng đã có tính răn đe thực sự, khiến nhiều người không dám điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Tùng Diễn kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe mô tô trên tuyến quốc lộ 1 A, đoạn qua huyện Chi Lăng

Ông Lâm Việt Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, các sở, ngành, các huyện, thành phố đã có nhiều giải pháp để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn trên địa bàn. Đặc biệt, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tuần tra kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là những người vi phạm nồng độ cồn. Nhờ đó, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế.

Cụ thể, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ ngày 15/12/2019 đến 14/1/2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông nhưng không có vụ nào liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Từ ngày 15/1 đến ngày 31/1/2020 không xảy ra vụ TNGT nào. Đặc biệt, trong 7 ngày nghỉ Tết Canh Tý, trên địa bàn tỉnh không xảy ra TNGT.

Ngay khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tăng cường kiểm soát chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn; kiên quyết xử lý các trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra và chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với cơ quan truyền thông tổ chức thông tin, tuyên truyền về hành vi, thái độ của người vi phạm và kết quả kiểm soát, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường. Riêng xử phạt về nồng độ cồn từ khi Nghị định 100 có hiệu lực đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử phạt 306 trường hợp, thu nộp kho bạc nhà nước trên 600 triệu đồng.

Việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 đã được người dân đồng tình, ủng hộ. Anh Nguyễn Minh Phúc, người dân phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Nếu triển khai tốt luật này và lực lượng chức năng xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ góp phần giảm thiểu các vụ TNGT đau thương, gây mất mát cho mỗi gia đình. Tôi cũng mong rằng, mọi người khi đã uống rượu, bia thì không tham gia điều khiển phương tiện giao thông; thay vào đó sẽ nhờ sự trợ giúp người thân hoặc di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng.

Thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe”, Ban ATGT tỉnh chỉ đạo phấn đấu  giảm TNGT 5% trở lên ở cả 3 tiêu chí so với năm 2019. Đây rõ là một nhiệm vụ đầy khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, giải pháp mang tính căn cơ là phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân  nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Có như vậy, chúng ta mới hy vọng đạt mục tiêu giảm TNGT đã đề ra.

HOÀNG CƯỜNG