Thứ sáu,  20/09/2024

Phòng chống Covid-19: Đảm bảo an toàn cho người được đo nồng độ cồn

(LSO) – Hiện nay, có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại về việc sử dụng thiết bị kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đối với người tham gia giao thông vì có thể lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây nên.

   Băn khoăn của người dân

Trên các diễn đàn, mạng xã hội về giao thông tại nhiều nơi, việc kiểm tra đo nồng độ cồn giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, khó lường nhận được nhiều luồng ý kiến quan tâm của người dân. Không ít trường hợp cho rằng, lực lượng cảnh sát giao thông tiếp xúc hằng ngày rất nhiều người đến từ các nơi khác nhau nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra.

Anh Hà Ngọc Đại, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, những thông tin về dịch bệnh Covid-19  diễn biến phức tạp khiến tôi khá lo lắng. Trong đó, điều băn khoăn nhất là việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng chức năng. Dù cảnh sát giao thông cho biết, mỗi trường hợp được kiểm tra đều dùng một ống thổi riêng, nhưng khi thổi luồng khí vào ống và tác động lên máy như vậy vấn đề vệ sinh máy liệu có đảm bảo?

Người dân được kiểm tra ống thổi trước khi thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông

Ông Lê Văn Trung, lái xe khách tuyến Lạng Sơn – Hà Nội bày tỏ: Dù thay đổi ống thổi nhưng nếu người sau cầm máy để thổi vô tình chạm phải nước bọt của người trước đã kiểm tra nồng độ cồn rồi sau đó lỡ tay chạm lên mặt cũng có nguy cơ bị “dính” Covid-19. Chưa kể, hơi thở của người được kiểm tra có thể tồn tại bên trong các bộ phận của thiết bị đo nồng độ cồn. Nếu cảnh sát giao thông không tiệt trùng kỹ, những người sau thổi vào thì sẽ không đảm bảo an toàn…

   Kiểm tra nồng độ cồn đảm bảo đúng quy định

Trước lo ngại về việc thổi nồng độ cồn có thể gây lây nhiễm Covid -19, Cục CSGT đã chỉ đạo  quá trình kiểm tra, xử lý phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Cụ thể, cán bộ, chiến sỹ  khi kiểm tra nồng độ cồn không sử dụng phễu thổi mà sử dụng ống thổi dùng một lần cho riêng từng người và sẽ nói rõ với tài xế đây là ống mới, bóc ra cho họ kiểm tra, bảo đảm vệ sinh, tiệt trùng cho thiết bị đo nồng độ cồn. Đội ngũ cán bộ, chiến sỹ chấp hành nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế là đeo khẩu trang, găng tay, sát khuẩn thiết bị trước khi thi hành công vụ, tạo sự yên tâm cho người tham gia giao thông. Mỗi ống thổi sau khi sử dụng xong phải bỏ vào túi nilon kín để xử lý theo đúng quy định.

Thiếu tá Nguyễn Quang Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh nhấn mạnh: Kiểm tra nồng độ cồn trong giai đoạn dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay là vấn đề được nhiều người tham gia giao thông quan tâm. Để bảo đảm an toàn giao thông, thực hiện nghiêm quy định Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp chặt chẽ với công an các huyện, thành phố đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường… Cùng với đó, việc kiểm tra được đơn vị quan tâm chỉ đạo lực lượng thực thi công vụ phải bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sỹ thi hành công vụ và người tham gia giao thông theo đúng khuyến cáo và hướng dẫn của Bộ y tế, Cục Cảnh sát giao thông nhằm đảm bảo an toàn, tránh dịch bệnh.

Có thể thấy rằng, việc kiểm tra nồng độ cồn là nhiệm vụ có hiệu quả rõ rệt đối với việc kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông trong 1 tháng qua. Do vậy, việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức kiểm tra nồng độ cồn đòi hỏi sự chuẩn bị về con người, phương tiện công phu và tốn kém hơn. Với quy trình và biện pháp kiểm tra được Phòng Cảnh sát giao thông và công an các địa phương thực hiện bài bản, nghiêm túc, sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tham gia giao thông.

HOÀNG CƯỜNG