Thứ sáu,  20/09/2024

Phát triển giao thông nông thôn: Chủ trương đúng đắn, cơ chế sát thực

– Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn nhằm tăng cường năng lực vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân là chủ trương lớn của tỉnh. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện chủ trương này với những cơ chế hỗ trợ mới, sát thực và phù hợp với điều kiện hiện tại.

Hết năm 2020 toàn tỉnh có 11.011 km đường giao thông nông thôn, gồm: 2.699 km đường xã; 3.300 km đường trục thôn; 4.666 km đường ngõ xóm và 346 km đường nội đồng.

Giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện chương trình phát triển giao thông nông thôn, toàn tỉnh đã làm mới được 2.021 km đường các loại. Qua đó, nâng tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn từ 28,2% năm 2015 lên 45% (tính đến hết năm 2020).

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn của tỉnh vẫn còn thấp kém, nhu cầu cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã, thôn khu vực vùng sâu đặc biệt khó khăn là rất lớn và cấp thiết. Do vậy, bước sang giai đoạn 2021 -2025, tỉnh tiếp tục thúc đẩy chương trình cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước hỗ trợ, Nhân dân cùng làm.

Người thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng cứng hóa đường trục thôn

Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh sẽ cứng hóa 1.750 km đường giao thông nông thôn (mỗi năm cứng hóa 350 km). Đây là nhiệm vụ rất nặng nề bởi hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn chưa được cứng hóa đều nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa đòi hỏi nguồn lực lớn. Do đó, trong triển khai thực hiện, tỉnh chỉ đạo phải đổi mới phương thức hỗ trợ, tiếp tục đẩy mạnh huy động sức dân, áp dụng vật liệu mới, tăng cường áp dụng thiết kế mẫu, nhằm giảm giá thành mà vẫn đạt chất lượng.

Để hiện thực hóa chỉ đạo của tỉnh, trong quý I /2021, Sở Giao thông – Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh phê chuẩn đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2021 – 2025, đưa cơ cấu nguồn vốn hỗ trợ vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (mỗi năm tỉnh cân đối 60 tỷ đồng để hỗ trợ); hoàn thiện thiết kế mẫu; hướng dẫn lập dự toán và quyết toán các công trình đường giao thông nông thôn; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cấp xã trong việc tự chủ triển khai các công trình giao thông.

Đặc biệt, trong cơ chế hỗ trợ của tỉnh có điểm mới là ngoài hỗ trợ 100% xi măng, cát, đá xây dựng mặt đường bê tông, tỉnh còn hỗ trợ 70% chi phí thi công, người dân hiến đất và đối ứng 30% chi phí thi công còn lại; hỗ trợ 100% vật liệu, chi phí thuê máy đối với các tuyến đường được xây dựng bằng vật liệu láng nhựa, tro bay, tro xỉ, phụ gia để gia cố nền mặt đường. Đối với các huyện, cùng với hỗ trợ xi măng, còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật, lập dự toán và thanh quyết toán khi xây dựng các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm và nội đồng do Nhân dân tự làm.

Những cơ chế của tỉnh nhận được sự ủng hộ rất lớn từ người dân. Nhờ đó, phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức Nhà nước hỗ trợ Nhân dân cùng làm tiếp tục có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian qua.

Bà Vi Thị Dung, Trưởng thôn Lũng Cút, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Lũng Cút là thôn vùng 3 đặc biệt khó khăn của thị trấn Đồng Mỏ, hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ sinh hoạt, sản xuất còn nhiều hạn chế. Năm 2021 với cơ chế hỗ trợ mới của tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, bà con rất phấn khởi đồng tình ủng hộ. Năm nay, thôn có kế hoạch làm mới 1 km đường trục thôn nội đồng, trong 4 tháng đầu năm, người dân trong thôn đóng góp được 40 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước, thôn đã cứng hóa được 500 m đường nội đồng, rộng 2 m dày 12 cm.

Không chỉ ở thôn Lũng Cút, mà phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ ở tất cả vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tính từ đầu năm 2021 đến giữa tháng 5/2021, toàn tỉnh đã cứng hóa được 156 km đường giao thông nông thôn, tương đương 44,8% kế hoạch năm (cùng kỳ 2020 toàn tỉnh làm được 98 km đường các loại). Nhân dân hiến gần 7.000 m2 đất để mở rộng nền đường, đóng góp gần 15 tỷ đồng tiền mặt mua vật liệu thuê máy và sử dụng hết 16.510 tấn xi măng do Nhà nước cấp. Một số huyện nổi bật như: Chi Lăng làm được 29 km; Văn Lãng 20,02 km; Văn Quan 21,5 km và Lộc Bình 21,3 km. Các huyện còn lại đều cứng hóa được từ 9 km đến 13 km đường giao thông nông thôn.

Chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân đã tạo cú hích quan trọng để thúc đẩy phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương về đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn cả về vật chất và tinh thần.


Nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển giao thông nông thôn

– Tìm hiểu thực tế, nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã có cách làm hay, giải pháp tốt trong phát triển giao thông nông thôn. Những giải pháp, cách làm này sẽ góp phần thực hiện tốt mục tiêu cứng hóa đường giao thông nông thôn trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Trần Thế Tỉnh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Quan: “Các xã chủ động xây dựng kế hoạch danh mục sát với thực tiễn”

Qua thực tế triển khai chương trình xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện cho thấy, ngoài việc vận động người dân đóng góp nguồn lực, thì chính quyền cơ sở phải hướng dẫn các thôn, khối phố xác định danh mục cho cả giai đoạn gắn với xây dựng lộ trình huy động nguồn lực… Từ đó huyện mới tính toán để cân đối hỗ trợ xi măng, vật tư kịp thời sát đúng theo điều kiện cụ thể. Với hướng đi đó, đến nay, 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng xong kế hoạch cứng hóa các tuyến đường trong năm 2021 với tổng chiều dài 70 km. Trong 4 tháng đầu năm các xã đã thực hiện cứng hóa được 21,5 km  đạt 30,7% kế hoạch.

Ông Hoàng Văn Sinh, thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn huyện Chi Lăng: “Đóng góp để xây dựng quỹ giải phóng mặt bằng cấp thôn”

Thực tế cho thấy, muốn mở rộng đường các thôn vùng sâu cần phải có mặt bằng đủ rộng thực hiện công trình. Để triển khai xây dựng giao thông nông thôn năm 2021, thôn Làng Thượng đã vận động thành công việc lập quỹ giải phóng mặt bằng do các hộ trong thôn đóng góp nhằm hỗ trợ các gia đình có nhà cửa, vật kiến trúc bị ảnh hưởng khi hiến nhiều đất mở rộng nền đường. Đồng thời, quỹ này còn phục vụ cho việc thuê  máy san gạt mặt bằng để làm đường. Trong năm 2021, thôn đã huy động được 40 triệu đồng từ các hộ dân để thực hiện mục tiêu này.

Ông Lương Xuân Trường, Kỹ sư Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Giao thông – Vận tải, đồng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học – sử dụng tro xỉ nhà máy nhiệt điện Na Dương làm mặt đường bê tông xi măng tỉnh Lạng Sơn: “Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vật liệu mới vào phát triển đường giao thông nông thôn”.

Trước nhu cầu lớn về gia cố cứng hóa nền, mặt đường giao thông nông thôn tại khu vực vùng sâu đặc biệt khó khăn, việc sử dụng kết cấu xi măng để cứng hóa mặt đường giao thông nông thôn sẽ khó đáp ứng vì nguồn ngân sách còn hạn chế. Vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vật liệu mới để gia cố nền mặt đường giao thông nông thôn như: tro bay, tro xỉ… Với công nghệ vật liệu này, công trình đường giao thôn sẽ giảm chi phí xây dựng tới 60% so với công nghệ truyền thống mà vẫn bảo đảm được kết cấu đường phục vụ nhu cầu của người dân. Trong giai đoạn 2018 – 2020, Sở Giao thông – Vận tải đã cứng hóa được hơn 30 km đường theo công nghệ tro bay, tro xỉ  cho kết quả tốt tại các huyện: Đình Lập, Tràng Định và Lộc Bình.

CÔNG QUÂN