Thứ sáu,  20/09/2024

An toàn giao thông cho trẻ em – Trách nhiệm từ người lớn

– Trẻ em chưa có nhận thức đầy đủ, chưa có khả năng tự bảo vệ và lường trước được những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc tạo môi trường an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông là quan trọng và cần thiết. Môi trường này phải được tạo nên từ ý thức, trách nhiệm, hành động của phụ huynh, nhà trường và cả cộng đồng.

Hiện nay, mỗi ngày, chúng ta vẫn chứng kiến nhiều hình ảnh mất an toàn giao thông (ATGT) liên quan đến trẻ em. Đó là không đội mũ bảo hiểm; học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện phóng nhanh, vượt ẩu… Nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, đáng quan tâm nhất là cách quản lý, giáo dục trẻ em và sự thiếu gương mẫu của người lớn.

Nhiều phụ huynh đến đón con ( tại cổng Trường Tiểu học Chi Lăng) thành phố Lạng Sơn vẫn để xe ngay dưới lòng đường gây mất ATGT

Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn vào sáng 15/12/2021, chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh phụ huynh đưa con đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm cho trẻ, thậm chí có phụ huynh còn không tự đội mũ bảo hiểm cho mình. Hoặc tại khu vực cổng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, sau giờ tan học, mặc dù đường hẹp và rất đông học sinh nhưng một số em đi xe đạp điện, xe máy điện vẫn phóng nhanh, vượt ẩu nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao… Nhiều phụ huynh nêu ra lý do nhà gần, đi một chút là tới trường nên không lo trẻ mất an toàn; khi đưa đón trẻ đều rất vội nên quên đội mũ bảo hiểm, hoặc các cháu khó chịu khi đội mũ bảo hiểm; trẻ nhỏ, tranh thủ chở 2 hoặc 3 trẻ cũng không sao…Tuy nhiên, tất cả lý do này đều là ngụy biện không thuyết phục. Chính các bậc phụ huynh đã coi nhẹ việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và nhận thức chưa đầy đủ về tác động của hành vi vi phạm trật tự ATGT đối với con trẻ.

Anh Hoàng Văn Thanh, khối Cửa Đông, phường Chi Lăng cho biết: Bố mẹ phải là những người đầu tiên giáo dục con cái về ATGT trước khi giao trách nhiệm đó cho nhà trường và xã hội. Trẻ em cần được người lớn thường xuyên nhắc nhở, trang bị kiến thức cơ bản khi tham gia giao thông; nhận biết các tình huống nguy hiểm, gương mẫu khi chở theo con trẻ trên xe. Với bản thân tôi, để làm gương cho con trẻ, mỗi khi ra đường, tôi luôn tuân thủ nghiêm Luật Giao thông đường bộ như đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, xếp xe đúng nơi quy định khi đến trường đón trẻ.

Thực tế cho thấy: nếu người lớn chấp hành nghiêm quy định về trật tự ATGT và nhắc nhở con, cháu mình thì trẻ em sẽ có ý thức cao hơn khi tham gia giao thông, từ đó tránh được vi phạm, tai nạn đáng tiếc xảy ra. Do vậy, không chỉ học sinh, phụ huynh cũng cần được coi là đối tượng chính trong giáo dục ATGT. Nhiều ý kiến cho rằng, tại các buổi tuyên truyền, phụ huynh cũng nên cùng tham gia với con em mình; thông qua trao đổi, tương tác sẽ nắm rõ tâm lý, thói quen tham gia giao thông của trẻ nhỏ để nhắc nhở, làm gương cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Bích Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho rằng:  Phần lớn trẻ em tiểu học được phụ huynh đưa đến trường. Phụ huynh không chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ sẽ khiến trẻ nhận thức lệch lạc, từ đó rất khó tạo nên ý thức chấp hành nghiêm quy định về ATGT sau này. Tại trường chúng tôi, học sinh đều được giáo dục ATGT thông qua các buổi học ngoại khóa hoặc tuyên truyền trực tiếp từ các thầy, cô giáo của mình. Cụ thể, ngay từ đầu năm học, trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, nhà trường đều tổ chức tuyên truyền pháp luật về ATGT, nhắc các em học sinh tuân thủ các quy tắc khi tham gia giao thông. Vào đầu năm học hằng năm, nhà trường tổ chức cho 100% học sinh ký cam kết không vi phạm trật tự ATGT. Đồng thời, xếp lịch tan học cho các khối lệch giờ để tránh ùn tắc trước cổng trường khi tan học và nhắc các phụ huynh đến đón trẻ xếp xe đúng nơi quy định….

Không chỉ tuyên truyền tại các trường học, những năm qua công tác tuyên truyền về TTATGT đã được các cấp, ngành, cơ quan chức năng như: ban ATGT các huyện, thành phố, các tổ chức chính trị – xã hội… trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục để tạo được ý thức chấp hành các quy định về ATGT cho trẻ từ nhỏ. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2021, bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: qua mạng xã hội; tổ chức diễn đàn; qua các phương tiện thông tin truyền thông…,  ngành giáo dục tỉnh đã tuyên truyền được trên 3 nghìn cuộc với trên 700 nghìn lượt cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia… Các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức trên 7.500 cuộc tuyên truyền về đảm bảo ATGT với trên 960.000 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh và người dân tham dự… Trong năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nhưng theo cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá, không có TNGT liên quan đến trẻ nhỏ.

Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Trong việc tham gia giao thông, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương, bởi ý thức và hiểu biết về các quy định pháp luật còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường bộ đã được các trường triển khai đồng bộ và tăng cường nhưng đôi khi các bậc phụ huynh lại chưa quan tâm. Vì vậy, để tạo được cho trẻ em ý thức về chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT, tôi cho rằng điều kiện trước tiên phải bắt đầu từ chính sự gương mẫu của người lớn trong gia đình, để các em noi theo.

Bảo vệ trẻ em trước mối nguy về TNGT là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Không chỉ lực lượng chức năng, sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống giáo dục và gia đình, đặc biệt là sự gương mẫu, trách nhiệm của người lớn khi tham gia giao thông sẽ là tiền đề hình thành nên ý thức, kỹ năng đảm bảo ATGT cho trẻ em.

HOÀNG CƯỜNG