Thứ sáu,  20/09/2024

Hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Đảm bảo kịp thời, chính xác, minh bạch

(LSO) – Ngày 9/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Triển khai nghị quyết, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, thống kê sơ bộ và tuyên truyền về chính sách, đảm bảo gói hỗ trợ được triển khai nhanh chóng, minh bạch.

Khoảng 3 tháng nay, anh Hoàng Văn Dương, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn không có việc làm do dịch Covid-19. Anh Dương chia sẻ: Tôi làm nhân viên tại cửa hiệu ảnh Tiến Thành với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nay dịch Covid-19 diễn ra, cửa hiệu tạm đóng cửa nên 3 tháng nay tôi nghỉ việc ở nhà không có lương, cuộc sống gia đình khó khăn. Khi nghe thông tin Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ 3 tháng cho những người lao động mất việc và các đối tượng khác, gia đình tôi rất vui mừng và nhanh chóng kê khai với chính quyền sở tại.

Công nhân Công ty TNHH Bảo Long tuân thủ nghiêm các quy định về bảo hộ lao động và phòng chống dịch Covid-19

Theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, dự kiến sẽ hỗ trợ bằng tiền mặt cho khoảng 20 triệu người chịu ảnh hưởng. Theo tính toán, nhiều đối tượng sẽ được hỗ trợ tiền mặt trong 3 tháng, thấp nhất là 500.000 đồng/người/tháng. Đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, thể hiện rõ cam kết một “Chính phủ hành động”, nhân văn, không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19. Sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ là những người yếu thế; người nghèo; đối tượng chính sách xã hội; người bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm; không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19…

Ngay khi có Nghị quyết 42, UBND tỉnh đã, đang chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương rà soát đối tượng được thụ hưởng nhằm đảm bảo triển khai chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, minh bạch. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là cần triển khai đúng đối tượng, đúng quy định. Đặc biệt, tuyệt đối không được phép trục lợi, lợi dụng chính sách hỗ trợ dưới bất kể hình thức nào; phải nhanh chóng triển khai thực hiện sau khi có văn bản hướng dẫn cụ thể của trung ương. Theo đó, các cấp, ngành cần phải khẩn trương nắm chắc, rà soát đối tượng và có thứ tự ưu tiên đối với những đối tượng thiếu đói, khó khăn trước.

Theo rà soát sơ bộ của ngành lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH), trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn dự kiến có 8 nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó, dự kiến có 4.121 người có công; 19.998 đối tượng bảo trợ xã hội; 21.336 hộ nghèo với 90.009 nhân khẩu; 20.250 hộ cận nghèo với 91.498 nhân khẩu; 1.161 người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; 1.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; 4.278 hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đang tạm ngừng kinh doanh; 1.292 người hưởng trợ cấp mất sức lao động.

Công nhân Công ty TNHH Bảo Long tuân thủ nghiêm các quy định về bảo hộ lao động và phòng chống dịch bệnh Covid-19

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Đây mới là danh sách rà soát bước đầu, hiện nay, ngành tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương sàng lọc đối tượng để tránh trùng chéo cũng như chờ hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH về các đối tượng cụ thể trong từng nhóm đối tượng để không bị sót, lọt người cần hỗ trợ. Điều mà chúng tôi quan tâm nhất chính là việc rà soát từ cơ sở phải được thực hiện minh bạch, công khai; kiểm tra, giám sát chặt chẽ của địa phương, đảm bảo không có lợi dụng, trục lợi chính sách như chỉ đạo của ngành cũng như chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh.

Thời điểm này, công tác rà soát, thống kê sơ bộ cũng đang được các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện. Tại thành phố Lạng Sơn, qua rà soát bước đầu có trên 12 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch  Covid-19. Bà Bùi Thị Quỳnh Anh, Trưởng Phòng LĐTB&XH thành phố Lạng Sơn cho biết: Các phường, xã vẫn đang tiếp tục thống kê, cùng với đó phối hợp với các ngành khác để sàng lọc đối tượng, nhất là các đối tượng người lao động tự do trên địa bàn. Qua nghiên cứu văn bản, chúng tôi thấy rất khó định lượng được tiêu chí, công việc của họ do chưa có hướng dẫn khảo sát, kê khai cụ thể.

Ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết thêm: Để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, theo thông tin mà chúng tôi nắm được, Bộ LĐTB&XH sẽ có thông tư chi tiết hóa một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể, chính xác đối tượng. Ngay khi có hướng dẫn chi tiết cụ thể của ngành, trên cơ sở các bước đang triển khai, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, thống kê lại để có số liệu đối tượng chính xác, đảm bảo minh bạch trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

THANH HUYỀN