Thứ sáu,  20/09/2024

Uống Methadone vẫn sử dụng ma túy khác: Con dao 2 lưỡi

LSO- Thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trung bình mỗi năm có khoảng 10% bệnh nhân điều trị thuốc thay thế các chất dạng thuốc phiện (Methadone) vẫn sử dụng ma túy khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà bản thân bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Chúng tôi có dịp tham gia một buổi tư vấn của bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó trưởng Phòng khám Đa khoa và Chuyên khoa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Đối tượng tư vấn của bác sĩ Tuyên là bệnh nhân Lương Ngọc H. Anh H nghiện heroin 18 năm, sau nhiều lần cai nghiện không thành, Methadone đã giúp H trở lại với cuộc sống hằng ngày bên vợ và con nhỏ. Thế nhưng, tuần vừa qua, do tham gia đám cưới người bạn, anh H bị rủ rê sử dụng ma túy đá. Sau khi được bác sĩ ở trung tâm xét nghiệm dương tính với ma túy, phác đồ điều trị của anh H phải thay đổi. Vì lần “trót dại” này, anh H phải tăng liều điều trị từ 60 mg lên 70 mg/24 giờ.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tư vấn cho anh Lương Ngọc H

Bác sĩ Tuyên cho biết: Uống Methadone mà vẫn sử dụng ma túy khác không chỉ khiến đối tượng nghiện nặng hơn như trường hợp anh H, mà còn gây nhiều hệ quả khác. Hệ quả dễ thấy đó là việc ngộ độc ma túy tổng hợp khiến tâm lý bất ổn, sốc thuốc do quá liều, tử vong… Mặc dù không có con số thống kê, nhưng trung tâm ghi nhận thông tin từ người nhà 1 trường hợp sốc thuốc do quá liều dẫn đến tử vong của 1 bệnh nhân vừa uống Methadone vừa sử dụng ma túy đá.

Thực tế, trung bình mỗi năm, tỷ lệ bệnh nhân sử dụng ma túy khác chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân điều trị bằng Methadone của tỉnh. Trong gần 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có trên 1.420 bệnh nhân điều trị Methadone thì có khoảng 142 bệnh nhân sử dụng ma túy khác; chủ yếu là ma túy đá và thuốc lắc; thời điểm sử dụng nhiều nhất là dịp lễ tết, mùa cưới.

Chị Phạm Thị Hương, cán bộ cấp phát thuốc Methadone ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh cho biết: Là người trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, tôi cũng như các cán bộ khác có trách nhiệm quan sát các cử chỉ, hành động, ánh mắt… của bệnh nhân. Nếu nghi ngờ bệnh nhân sử dụng ma túy khác trong quá trình điều trị, sẽ xin chỉ đạo xét nghiệm bằng que xét nghiệm 4 chân. Xét nghiệm này rất nhanh và chính xác. Nếu bệnh nhân dương tính với ma túy khác, sẽ thực hiện ngay phương án tác động tâm lý để đảm bảo hiệu quả điều trị; thậm chí sẽ phải quyết định ngưng điều trị tạm thời với những trường hợp này để có thể tiếp tục theo dõi và có phác đồ điều trị mới.

Theo ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, hiện nay việc tư vấn, giáo dục tư tưởng cho bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị bằng Methadone cũng như tác hại của việc dùng Methadone mà vẫn sử dụng ma túy khác là biện pháp quan trọng nhất. Trung tâm cũng như các điểm cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh đều thực hiện việc tư vấn, giáo dục tư tưởng cho bệnh nhân về vấn đề này.

Chỉ tính riêng ở điểm cấp phát thuốc lớn nhất tỉnh là Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, trung bình, trong tháng đầu uống Methadone sẽ thực hiện tư vấn 5 lần/bệnh nhân. Từ các tháng sau, mọi biểu hiện của bệnh nhân đều được quan sát, theo dõi và tư vấn đột xuất. Bên cạnh đó, với những bệnh nhân đã “trót” sử dụng cả ma túy khác đều được bác sĩ yêu cầu hứa không tái phạm, đồng thời liên lạc với người nhà bệnh nhân, yêu cầu người nhà phải cam kết phối hợp và tăng cường quản lý bệnh nhân tại gia đình. Đối với bệnh nhân không có người thân, trung tâm yêu cầu bệnh nhân tự viết bản cam kết để làm cơ sở nhắc nhở, tư vấn, giáo dục tư tưởng cho bệnh nhân.

Các bác sĩ ở Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh khuyến cáo bệnh nhân: Ma túy tổng hợp có thể nghiện và hiện vẫn chưa có phác đồ điều trị. Do vậy, tuyệt đối không uống Methadone mà vẫn dùng ma túy tổng hợp, nếu dùng thì người nghiện vốn đã khó cai nghiện lại càngthêm khó hơn, chưa kể những hậu quả lớn ảnh hưởng tới sức khỏe.

THANH HÒA