Thứ sáu,  05/07/2024

Lạng Sơn chủ động phòng ngừa bệnh tay, chân, miệng

LSO-Hiện là thời điểm giao mùa nên bệnh tay, chân, miệng (TCM) ở trẻ em gia tăng, có nguy cơ bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng, chống. Trước tình hình đó, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường phòng, chống dịch bệnh nhằm chủ động ngăn chặn sự lây lan, hạn chế những ca mắc bệnh mới.


Cán bộ y tế xã Quảng Lạc hướng dẫn trẻ vệ sinh tay bằng xà phòng trước khi ăn để phòng bệnh TCM

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện. Đặc biệt, đến nay đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, đã phát hiện 82 trường hợp mắc TCM, tăng 11 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017.

Chỉ trong vòng nửa tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đã có 6 trường hợp mắc TCM, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.

Sau khi phát hiện, Trạm Y tế xã Quảng Lạc đã cử ngay cán bộ đến trường mầm non để phối hợp với nhà trường vệ sinh môi trường, lớp học, dụng cụ, đồ chơi. Đối với trẻ nhiễm bệnh, tiến hành cách ly để điều trị kịp thời.

Để tăng cường phòng, chống bệnh TCM, không để bùng phát thành dịch, Trạm Y tế xã Quảng Lạc đã phối hợp chặt chẽ với các trường học tổ chức truyền thông, phát tờ rơi phòng chống bệnh TCM trong trường học, trọng điểm là nhà trẻ, trường mẫu giáo; bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ phương tiện rửa tay, xà phòng, nước sạch ở vị trí thuận tiện phục vụ trẻ và người chăm sóc trẻ; vệ sinh  khu vui chơi, đồ chơi cho trẻ hằng ngày; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời xử lý khi xảy ra ổ dịch.

Bà Chu Thị Bắc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quảng Lạc cho biết: Để ngăn chặn bệnh TCM thì điểm mấu chốt là làm tốt công tác dự phòng. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền lồng ghép vào các buổi tiêm chủng mở rộng, các buổi họp thôn; tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi… để người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống bệnh TCM.

Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có vài chục ca mắc TCM. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện chủng Enterovirus 71 (EV71), EV71 là chủng nguy hiểm nhất của bệnh TCM, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm cơ tim, co giật và dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan khi có trẻ mắc bệnh này.

Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng giúp phòng bệnh TCM

Ông Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước tình hình bệnh TCM có xu hướng tăng so với các năm trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phương án xử lý ngay từ đầu năm, chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật phòng, chống dịch.

Ngoài ra, trung tâm yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, các đơn vị y tế dự phòng phải báo cáo cho hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tất cả các trường hợp bệnh để khoanh vùng và có phương án xử lý ngay.

Theo đó, tại các địa bàn có số ca mắc TCM cao như: thành phố Lạng Sơn 20 ca, Văn Quan 18 ca, Hữu Lũng 14 ca…, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn đã gửi công văn đôn đốc, hướng dẫn cách giám sát, cách điều trị bệnh TCM cho các đơn vị y tế tuyến huyện, xã; tiến hành cách ly để hạn chế lây nhiễm bệnh.

Song song với đó, trung tâm phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM; thực hiện 4 sạch: ăn sạch, uống sạch, đồ chơi sạch, bàn tay sạch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, cấp phát hóa chất, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện…

Chị Vi Thị Hồng Hạnh, khối 2, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin hằng ngày, tôi biết cách nhận biết biểu hiện của bệnh TCM. Khi con tôi có dấu hiệu ban đầu của bệnh, tôi đã chủ động đưa đến bệnh viện để cách ly và điều trị ngay. Ngoài ra, các bác sĩ cũng hướng dẫn gia đình cách vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của bé để tránh lây nhiễm.

Bệnh TCM hiện nay chưa có vắc – xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả. Do đó, để ngăn ngừa, phòng chống bệnh TCM, các cấp, các ngành liên quan cần tăng cường truyền thông, giáo dục sức khoẻ, tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh TCM tại gia đình và cộng đồng.

Các biện pháp phòng bệnh tay, chân, miệng

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/ cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; dụng cụ ăn uống phải được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm, tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, dụng cụ ăn uống như bát đĩa, thìa, cốc, đồ chơi…
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Khi trẻ có biểu hiện: sốt, quấy khóc, có các nốt phỏng hoặc loét ở tay, chân, miệng, lơ mơ, li bì… đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
  5. Khi trẻ mắc bệnh: cần cho trẻ nghỉ học và hạn chế tiếp xúc với trẻ khác.
TRANG VÂN