Thứ bảy,  14/09/2024
Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng:

Nâng tầm nhận thức về sữa mẹ

(LSO)-Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng với hoạt động chính là cung cấp sữa mẹ cho các bé sinh non, sản phụ không có sữa, mất sữa. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngân hàng sữa đã giúp nhiều trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ ngay trong những ngày đầu tiên chào đời.


Đại diện Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng trao sữa cho người nhà sản phụ sinh non
tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Chị Phương Khánh Ly, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan, mang thai đôi, sinh non tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, sau sinh chị gặp tai biến nên phải cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Vì vậy, sau khi chào đời, 2 bé: Quy, Anh không được bú sữa mẹ. Qua giới thiệu của y tá bệnh viện, biết được Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng của Trung tâm chăm sóc mẹ và bé Baby Care Lang Son (số 247 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) gia đình đã liên hệ và được ngân hàng cung cấp miễn phí. Nhờ đó, 2 bé được bú sữa mẹ ngay khi chào đời. Chị Ly cho biết: Những trường hợp sinh non như 2 bé nhà mình sức đề kháng  kém hơn trẻ khác vì vậy, nguồn sữa mẹ giúp các bé cứng cáp, bớt ốm vặt. Nhờ ngân hàng sữa mà trong 40 ngày đầu, con mình được bú sữa mẹ.

Mất sữa, không có sữa hay sữa chưa về là nỗi lo của tất cả các bà mẹ sau sinh. Thực tế, hầu hết các bé sinh ra đều được bú mẹ ngay, tuy nhiên, nhiều trường hợp như: trẻ sinh non, bị cách ly mẹ… khiến trẻ không được tiếp cận nguồn sữa mẹ. Trong những trường hợp này, không còn cách nào khác họ phải tìm đến sự hỗ trợ từ sữa công thức. Như đã biết, sữa mẹ bên cạnh chứa nhiều dinh dưỡng còn có kháng thể giúp trẻ sơ sinh chống lại bệnh tật, đây là yếu tố không loại sữa công thức nào có được. Vì vậy, được bú sữa mẹ ngay từ những ngày đầu giúp trẻ tăng cường sức đề kháng. Góp phần giải quyết khó khăn cho những bà mẹ không có sữa sau sinh, Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng được triển khai và đưa vào hoạt động.

Chị Đào Huyền Trang, chủ Trung tâm chăm sóc mẹ và bé Baby Care Lang Son, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngân hàng sữa đã có từ rất lâu trên thế giới, tại Việt Nam nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì còn rất mới mẻ. Trong quá trình chăm sóc cho các mẹ và bé, chúng tôi thấy rằng có nhiều mẹ thừa sữa, phần sữa này hầu như bị đổ bỏ trong khi không ít trường hợp lại đang rất cần. Chính vì vậy, từ năm 2015, chúng tôi thành lập Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng.

Triển khai Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng, các tình nguyện viên có nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là sản phụ và người nhà về tầm quan trọng của sữa mẹ, hướng dẫn sản phụ khắc phục tình trạng mất sữa, tự tin cho con sử dụng sữa mẹ. Cùng đó, trong quá trình cung cấp các dịch vụ  những mẹ có lượng sữa dư thừa cao tình nguyện viên sẽ vận động họ tham gia ngân hàng sữa. Việc cho và nhận được triển khai theo 2 hình thức. Người cho vắt sữa, ngân hàng tiếp nhận và lưu vào kho khi có trường hợp cần thiết sẽ tặng miễn phí. Kết nối giữa người cho với người nhận để các sản phụ chủ động hỗ trợ nhau. Sữa mẹ sau khi vắt được đựng trong những túi chuyên dụng và bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Thời gian bảo quản từ 4 đến 6 tháng.

Ngân hàng cũng có một số nguyên tắc mà người cho phải tuân thủ như: chỉ cho khi cơ thể khỏe mạnh, không có các bệnh lây truyền. Cùng đó, chỉ lấy sữa của những mẹ sau sinh đến 2, 3 tháng nhằm đảm bảo chất lượng sữa. Từ khi triển khai đến nay, mỗi năm Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng của Trung tâm chăm sóc mẹ và bé Baby Care Lang Son trực tiếp cung cấp sữa mẹ cho 20 – 30 trẻ. Riêng năm 2018, đã có 30 trẻ được sử dụng sữa từ ngân hàng này.

Chị Huyền Trang cho biết thêm: Nhiều mẹ sinh mổ trước khi sinh đã chủ động đến trung tâm xin sữa vì vậy, bé vừa chào đời đã được mẹ cho bú sữa ngay. Có mẹ sau khi sinh chưa có sữa ngay đã liên hệ với chúng tôi và đã được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Có trường hợp được ngân hàng cung cấp sữa mẹ hoàn toàn từ khi bé chào đời đến khi 6 tháng tuổi. Không chỉ cung cấp cho trẻ sơ sinh trên địa bàn thành phố, ngân hàng còn chuyển sữa đến các huyện thậm chí sang cả Thái Nguyên, Bắc Giang…

Ngân hàng Sữa mẹ tại cộng đồng góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng cửa sữa mẹ, giải quyết khó khăn cho các sản phụ sau sinh. Đây là mô hình hiệu quả, thiết thực cần được nhân rộng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

HOÀNG VƯƠNG