Thứ sáu,  20/09/2024

Đồng bộ các giải pháp đẩy lùi bệnh lao

(LSO) – Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh và tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, kiểm soát bệnh lao.

Trước tiên, Sở Y tế quan tâm xây dựng chương trình, mạng lưới chống lao rộng khắp tại 11/11 huyện, thành phố và 100% xã, phường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, phát hiện và quản lý, điều trị lao tại cơ sở. Cụ thể, khi phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nghi lao như: ho lâu ngày, khạc ra máu, đau ngực khó thở, sốt, sụt cân…, cán bộ trạm y tế xã, phường sẽ lấy mẫu đờm gửi đi làm xét nghiệm hoặc tư vấn, giới thiệu cho bệnh nhân trực tiếp đến trung tâm y tế huyện, thành phố để kiểm tra. Còn những bệnh nhân đã mắc lao và điều trị ở tuyến huyện nhưng không có tiến triển sẽ được chuyển lên cơ sở y tế tuyến tỉnh để được tư vấn, điều trị tốt hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn thực hiện kỹ thuật xuyên thành chẩn đoán u phổi, lao phổi, nấm phổi

Ngày 14/3/2020, ông Hoàng Văn Ba, xã Xuân Mai, huyện Văn Quan nhập viện trong tình trạng nguy kịch, khó thở. Sau hơn 1 tuần điều trị, đến nay, sức khỏe của ông đã dần bình phục, bắt đầu ăn uống, nói chuyện được. Ông Ba cho biết: Tôi bị ho, khạc ra máu, khó thở, được trạm y tế xã chuyển lên Bệnh viện Phổi Lạng Sơn điều trị lao phổi AfB suy kiệt. Nhà tôi thuộc hộ nghèo nên bệnh viện đã trích quỹ từ thiện để tôi điều trị và lo cả cơm ngày 2 bữa tại căng tin. Nhờ các bác sĩ chăm sóc chu đáo, tôi đã qua cơn nguy kịch.

Cùng với đó, Sở Y tế đã chỉ đạo các tuyến thực hiện tốt các chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã cử nhiều cán bộ tham gia các lớp tập huấn về trình độ chính trị và chuyên môn nghiệp vụ do Bệnh viện Phổi Trung ương và Bộ Y tế tổ chức. Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã tổ chức tập huấn trực tuyến về giám sát chương trình chống lao quốc gia cho 11 cán bộ phụ trách chương trình lao tuyến huyện; 10 lượt cán bộ tham gia hội thảo về bệnh lao tại tỉnh và 12 lượt cán bộ tập huấn tại Trung ương; tổ chức lớp tập huấn cho 183 cán bộ tuyến huyện, xã với các nội dung: chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao…

Mặt khác, việc áp dụng máy móc công nghệ cao vào điều trị đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, quản lý bệnh lao. Vừa giám sát cán bộ thao tác trên máy, bác sĩ chuyên khoa I Nông Văn Phức, Trưởng Khoa Cận lâm sàng, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn giới thiệu: Đây là kính hiển vi huỳnh quang, máy chụp Citi cắt lớp, GeneXpert… được Chương trình chống lao quốc gia tài trợ. Từ năm 2018 đến nay, khoa đã cử cán bộ có trình độ đi tập huấn, sau đó truyền đạt lại cho cán bộ khác, đến nay, 100% cán bộ, y bác sĩ của khoa đều sử dụng thành thạo các thiết bị này. Nhờ đó việc chẩn đoán và điều trị lao hiệu quả hơn.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn sử dụng máy móc hiện đại để chẩn đoán điều trị bệnh lao

Với những nỗ lực không ngừng, công tác quản lý, điều trị và kiểm soát bệnh lao trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2019, số bệnh nhân đến khám và làm xét nghiệm đạt 6.826 người, đạt 113,7% so với kế hoạch, tăng 1,8% so với năm 2018; bệnh nhân lao thu nhận giảm 6,1%. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 935 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh lao, đạt tỷ lệ 92,1%, trong đó điều trị thành công bệnh nhân lao kháng thuốc đạt 61,9%, tăng 1,9%. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với xu thế dịch tễ mắc lao trên thế giới và Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn, giám sát mạng lưới phòng chống lao; đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng để tiến tới mục tiêu cơ bản chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 (theo Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII).

Từ ngày 3/3/2020 đến hết ngày 1/5/2020, những tấm lòng hảo tâm trên cả nước cùng nhắn tin ủng hộ chương trình “Nhắn tin hỗ trợ chữa bệnh lao” năm 2020, với cú pháp TB gửi 1402 (20.000 đồng/1 tin nhắn). Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo cơ hội giúp đỡ người bệnh lao chiến thắng bệnh tật, giảm nguồn lây trong cộng đồng. Toàn bộ số tiền vận động được sẽ phân bổ chi phí mua thẻ Bảo hiểm y tế, hỗ trợ viện phí, dinh dưỡng cho người bệnh lao.

NGỌC HIẾU