Thứ sáu,  20/09/2024

Đề phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên

(LSO) – Do chủ quan với việc giữ gìn sức khỏe, chưa biết cách phòng chống nên thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh bị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên dẫn đến liệt nửa mặt, méo miệng… Nếu biết cách giữ gìn sức khỏe thì căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng, chống. 

Giữa tháng 6/2020, em Hà Thu Hoài (thôn Cốc Sáng, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan) điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tại tại Bệnh viện Y Dược học cổ truyền tỉnh. Em Hoài cho biết: Em hay có thói quen gội đầu vào buổi tối. Trong một lần gội đầu vào buổi tối thì sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, miệng bị méo một bên, mắt không thể nhắm kín, khó nói cười… Đến viện khám, em được biết mình bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Sau gần 2 tháng điều trị, hiện tại, bệnh tình của em đã sắp khỏi.

Tương tự trường hợp trên, ông Hoàng Ngọc Thanh (đường Bến Bắc, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cũng đang điều trị căn bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh. Ông Thanh cho biết: Tôi vào viện điều trị gần 2 tuần nay, so với lúc mới nhập viện thì hiện nay, miệng tôi đã đỡ méo, mắt đỡ bị lồi và khả năng nói cũng đã lưu loát, đỡ ngọng hơn.

Bệnh nhân mắc bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều bệnh nhân đột ngột bị liệt nửa mặt, méo miệng,… hay còn gọi là bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Mặc dù không có số liệu thống kê đầy đủ nhưng ước trung bình mỗi năm, cả tỉnh có tới vài trăm trường hợp mắc căn bệnh này. Đơn cử, riêng năm 2019, Bệnh viện Y Dược học cổ truyền tỉnh đã tiếp nhận, điều trị 49 trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh viện điều trị 18 trường hợp mắc căn bệnh này. Còn tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, từ năm 2019 đã tiếp nhận, điều trị 18 trường hợp.

Theo nghiên cứu khoa học, dây thần kinh số 7 chi phối vận động cơ mặt. Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là liệt mặt ngoại biên là tình trạng mất vận động hoàn toàn hay một phần các cơ của nửa mặt, do tổn thương dây thần kinh mặt. Bệnh không gây nguy hiểm tính mạng nhưng có thể để lại di chứng như: co cứng cơ, miệng méo nhiều, mắt nhắm không kín, ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các trường hợp mắc căn bệnh này thường vào mùa rét hoặc nắng nóng. Theo phân tích của cơ quan y tế, trong mùa lạnh, nếu người dân chủ quan với sức khỏe bản thân, làm cho dây thần kinh số 7 bị nhiễm lạnh dẫn đến bị liệt. Còn trong mùa nóng, người dân thường có thói quen sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ thấp, hoặc dùng quạt điện ở một vị trí quạt duy nhất làm cho cơ thể bị nhiễm lạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Bệnh còn có thể mắc phải do nhiễm trùng từ bệnh viêm tai giữa, Zona thần kinh hoặc do biến chứng của các chấn thương sọ, xương chũm… Bệnh có các dấu hiệu như: mặt bị xệ, cứng khác thường; miệng méo sang một bên, uống nước bị trào ra ngoài; mắt không thể nhắm kín; khó cười nói, tăng lượng nước bọt trong miệng khi nói chuyện hoặc ăn uống; đau trong tai và nhức đầu…

Bác sỹ Nguyễn Đình Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Để phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, người dân cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên, ăn uống đầy đủ dưỡng chất… Trong điều kiện thời tiết lạnh cần giữ ấm cơ thể. Đặc biệt, với thời tiết nắng nóng như hiện nay, không nên để máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp; tránh để quạt, luồng khí lạnh thổi thẳng vào mặt, sau gáy. Đối với những người làm việc và học tập vào ban đêm, không nên ngồi gần cửa sổ để tránh gió lùa. Ngoài ra, cần điều trị sớm và triệt để các bệnh nhiễm khuẩn tai, mũi, họng…

Từ thực tế trên cho thấy: bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bị mắc phải chủ yếu là do người dân chưa đề cao việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân. Chính vì thế, để tránh mắc phải căn bệnh này, mỗi người dân cần tuân thủ khuyến cáo của bác sỹ và chủ động đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám khi phát hiện có một trong các dấu hiệu của bệnh.

LƯƠNG THẢO