Thứ sáu,  20/09/2024

Quản lý, kiểm soát tốt bệnh lao

LSO-Những năm qua, ngành y tế tỉnh luôn quan tâm phòng, chống, quản lý, điều trị và kiểm soát tốt bệnh lao. Kết quả, số bệnh nhân lao trên bàn tỉnh ngày càng giảm, phù hợp với xu thế dịch tễ mắc lao trên thế giới và Việt Nam.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc phát tờ rơi tuyên truyền

Là tỉnh miền núi có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, Lạng Sơn là một trong những nơi có nguy cơ mắc và lây nhiễm bệnh lao. Từ nhận thức đó, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã bám sát sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế và tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Phổi Trung ương để xây dựng chương trình, mạng lưới chống lao rộng khắp.

Hiện nay, mạng lưới chống lao của tỉnh được kiện toàn và củng cố tại 11/11 huyện, thành phố và 226 xã, phường, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, phát hiện và quản lý, điều trị lao tại cơ sở. Cụ thể, khi phát hiện bệnh nhân có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, nghi lao như: ho lâu ngày, khạc ra máu, đau ngực khó thở, sốt, sụt cân…, cán bộ trạm y tế xã, phường sẽ lấy mẫu đờm gửi đi làm xét nghiệm hoặc tư vấn, giới thiệu cho bệnh nhân trực tiếp đến trung tâm y tế huyện, thành phố để kiểm tra. Đối với những bệnh nhân đã mắc lao và điều trị ở tuyến huyện nhưng không có tiến triển sẽ được chuyển lên cơ sở y tế tuyến tỉnh để được tư vấn, điều trị tốt hơn.

Chị Nông Thị Thu (xã Đại Đồng, huyện Tràng Định) cho biết: Anh trai tôi bị ho, khạc ra rất nhiều đờm nên đã được cán bộ y tế xã giới thiệu lên trung tâm y tế huyện điều trị. Bệnh không giảm nên tiếp tục chuyển tuyến lên Bệnh viện Phổi Lạng Sơn để làm các xét nghiệm và được điều trị tốt hơn. Sau hơn 1 tháng điều trị, anh tôi đỡ ho, ăn uống tốt hơn và sức khỏe bắt đầu phục hồi.

Cùng với quản lý chặt chẽ, các cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện đã quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn trên các trục phố chính, tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã; lồng ghép truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh lao tại cụm dân cư, hộ gia đình; tuyên truyền tại các kỳ sinh hoạt người bệnh cấp khoa, bệnh viện…

Việc nâng cao trình độ, năng lực của y, bác sĩ, cán bộ chương trình chống lao cũng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công tác quản lý và đẩy lùi bệnh lao. Từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã cử 21 lượt cán bộ tham gia các lớp tập huấn của trung ương. Đồng thời tổ chức 3 lớp tập huấn tại tuyến tỉnh cho 235 cán bộ với các nội dung như: công tác thống kê của lao kháng thuốc; công tác phát hiện, điều trị và quản lý chăm sóc người bệnh lao/HIV; tác dụng phụ của lao kháng thuốc…

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc bệnh nhân lao

Và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý như phần mềm Vitime đã và đang trở thành một công cụ hữu ích, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, quản lý bệnh lao ở các huyện, thành phố. Ông Triệu Quốc Vương, cán bộ phụ trách chương trình chống lao, Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình cho biết: Với những tính năng chính như: cập nhật thông tin hành chính của bệnh nhân, bác sỹ khám, ngày khám, ngày điều trị, phác đồ điều trị, xét nghiệm và theo dõi kết quả điều trị… phần mềm quản lý bệnh nhân lao Vitime đã giúp tạo kênh liên lạc thống nhất từ huyện, tỉnh đến trung ương. Việc quản lý bệnh nhân lao dễ dàng và chính xác hơn.

Với những nỗ lực không ngừng, công tác quản lý, điều trị và kiểm soát bệnh lao trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Số bệnh nhân đến khám và làm xét nghiệm giảm 9,2% (so với cùng kỳ); bệnh nhân lao thu nhận giảm 15,97%, bệnh nhân mới giảm 22,16%. Kết quả này hoàn toàn phù hợp với xu thế dịch tễ mắc lao trên thế giới và Việt Nam. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 324 bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh lao, đạt tỷ lệ 88,77% (vượt 5,4% so với kế hoạch đề ra).

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, bệnh viện tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực chuyên môn, giám sát mạng lưới phòng chống lao, truyền thông có hiệu quả để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc và tỷ lệ nhiễm lao trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu “Mỗi người, mỗi ngành, mỗi tổ chức cùng hành động để chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam”.

NGỌC HIẾU