Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động phòng, chống dịch bệnh giao mùa

LSO-Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, độ ẩm không khí cao, nhiệt độ môi trường thay đổi thất thường tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển và lây lan, đặc biệt là các các bệnh đường hô hấp, sởi, tiêu chảy… Do vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có hơn 1.000 trường hợp mắc cúm; 582 ca mắc tiêu chảy; 98 ca thủy đậu; 108 ca quai bị…
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun thuốc diệt trừ muỗi
tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn

Ông Đào Đình Cường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh kể từ đầu năm đến nay tương đối ổn định. Một số bệnh xuất hiện rải rác. Số ca bệnh giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, với thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều là điều kiện lý tưởng cho nấm mốc, côn trùng truyền bệnh, vi sinh gây bệnh phát triển, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh lớn. Do đó, ngoài sự chủ động phòng, chống dịch của cơ quan chức năng thì người dân cũng nên đề cao cảnh giác trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cho chính mình và người thân”.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản yêu cầu Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: sởi, ho gà, thuỷ đậu, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh. Tuyên truyền, khuyến cáo người dân giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ, dọn dẹp vệ sinh nơi ở tránh để muỗi và ký sinh trùng có nơi trú ngụ, dẫn đến xuất hiện ổ dịch. Nếu có ca nhiễm phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Cùng với đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tích cực tuyên truyền thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng đối với các bệnh có thuốc phòng, chống. Kết quả, trong quý I, năm 2018, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đủ 8 loại vắc xin đạt trên 95% số đối tượng tiêm chủng; số trẻ em trên 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc-xin viêm não Nhật Bản B là 1.683/14.000 đối tượng; số trẻ trên 1 tuổi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi và vắc xin phối hợp có chứa thành phần rubella là 1.276/14.470 đối tượng. Số phụ nữ có thai được tiêm đủ AT2+ là 1.314 đối tượng, đạt trên 80% đối tượng cần tiêm.

Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa chủ động trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe. Để phòng tránh tốt dịch bệnh, ngoài nỗ lực của ngành y tế rất cần sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể. Đặc biệt người dân cần có thái độ tích cực, đề cao cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, để chủ động phòng chống bệnh tật cho bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

TRIỆU THÀNH