Thứ sáu,  20/09/2024
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:

Thận trọng khi sử dụng thuốc

LSO-Người cao tuổi sức khỏe, trí nhớ suy giảm nên thường tìm đến nhiều phương pháp điều trị, nhiều loại thuốc khác nhau. Không ít trường hợp phải nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc. Để cải thiện sức khỏe người cao tuổi thì ngoài sự chu đáo của bác sĩ, rất cần sự quan tâm của những người thân. 
Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa tỉnh phục vụ bệnh nhân
cao tuổi uống thuốc

Cách đây nửa tháng, bà Hoàng Thị H. (phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) vừa phải nhập viện cấp cứu lúc nửa đêm do chóng mặt, nôn liên tục. Anh Nguyễn Xuân Thành – con trai bà cho biết: Mẹ tôi có tiền sử huyết áp cao nên thường xuyên vào viện khám và lấy thuốc điều trị. Vợ chồng tôi rất yên tâm vì có bác sĩ điều trị cho bà nhưng không ngờ khi kiểm tra lại thuốc thì phát hiện bà uống nhầm liều lượng giữa 3 loại thuốc. Vừa uống trong ngày thì đến tối thấy có biểu hiện bất thường, ngày càng nặng nên tôi phải đưa đi cấp cứu.

Cũng từng chứng kiến cảnh người thân nguy kịch do uống nhầm thuốc, chị Hoàng Thị Mai (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định) cho biết: Bố tôi năm nay gần 80 tuổi, mắc bệnh tiểu đường. Năm ngoái, uống thuốc sai liều, bị tụt huyết áp đột ngột. Từ lúc đó, tôi phải chia thuốc hằng ngày cho ông uống. Mỗi ngày chia 1 lần thành 3 túi riêng để tránh nhầm lẫn.

Không chỉ riêng bà H mà trên thực tế có rất nhiều trường hợp người cao tuổi gặp phản ứng phụ do uống nhầm thuốc, sai liều lượng thuốc, nhẹ thì đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nặng thì đau bụng, nôn liên tục…

Ông Nông Văn Tăng, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết: Người cao tuổi sức khỏe và trí nhớ đều suy giảm, vì thế phần lớn các cụ phải sử dụng thuốc uống hằng ngày. Ngoài thuốc bổ, huyết áp, tim, tiểu đường theo đơn bác sĩ kê, còn rất nhiều bài thuốc dân gian, thực phẩm chức năng.

Với mong muốn cải thiện sức khỏe, người cao tuổi thường tìm đến nhiều phương pháp điều trị khác nhau từ y học hiện đại đến các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, phần lớn các cụ thường uống các loại thuốc bổ một cách tùy tiện, không qua bác sĩ, tư vấn mà chỉ dùng theo kiểu “được mách”, nhất là các loại thuốc bổ. Các cụ không biết rằng, tất cả các loại thuốc đều có tác dụng phụ, đặc biệt, chống chỉ định khi sử dụng với một loại hoặc một nhóm thuốc khác. Và mỗi loại thuốc cho dù là thuốc bổ cũng cần được sử dụng đúng cách, trong một khoảng thời gian nhất định. Ví như thuốc bổ não nếu sử dụng liên tục và không theo chỉ định của bác sĩ rất dễ bị lệ thuộc vào thuốc, dùng kéo dài sẽ gây hội chứng tâm thần rối loạn tập trung, thậm chí rối loạn hành vi, hoang tưởng, suy gan, suy thận, cơ thể bị suy kiệt; người đang điều trị bệnh tăng huyết áp, uống thuốc bổ sung vitamin, chất khoáng dạng sủi bọt có thể bị tăng huyết áp…

Và cho dù là thuốc tây y hay đông y thì cũng cần phải có sự quan tâm giám sát của con cháu, người thân trong gia đình vì người cao tuổi thường “nhớ nhớ quên quên”, rất dễ nhầm lẫn giữa các loại thuốc.

Bác sĩ Hồ Thị Chiến, Phó Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Người cao tuổi thường hay mắc các bệnh mãn tính kết hợp. Vì thế, khi các cụ đến đây điều trị, nhân viên phải trực tiếp chia thuốc, bốc thuốc cho các cụ uống đúng giờ. Khi các cụ xuất viện, chúng tôi phải dặn dò người nhà quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho các cụ, đặc biệt là việc sử dụng thuốc. Chúng tôi khuyến cáo người cao tuổi khi sử dụng các loại thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ. Nếu xảy ra các phản ứng bất thường như: ngứa, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sĩ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

MINH NGỌC