Thứ sáu,  20/09/2024

Không được chủ quan với bệnh dại

Ba tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp chết do bệnh dại, hàng chục nghìn người phải tiêm vắc-xin phòng dại. Tại một số địa phương như Cà Mau, Hải Phòng, Thái Bình và TP Hồ Chí Minh, sau rất nhiều năm không có nay bệnh dại bắt đầu tái xuất hiện. Những năm gần đây, nhu cầu nuôi chó, mèo để giữ nhà, làm cảnh đã phổ biến không chỉ đối với người dân nông thôn mà cả ở các đô thị. Tuy nhiên, hậu quả số người bị chết vì bệnh dại do chó, mèo gây ra lại ngày càng tăng. Riêng giai đoạn 2011-2016, trung bình mỗi năm có 92 người chết vì bệnh dại, gần 400 nghìn người bị chó cắn, mèo cào phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp hằng năm ước hơn 800 tỷ đồng.

Ðể chủ động khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại, ngày 6-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế) năm 2017, vẫn có 74 người chết do bệnh dại, hơn 500 nghìn người phải điều trị dự phòng, trong đó có 85% do chó cắn, tăng 21% so với năm 2016. Từ nay đến tháng 9 là thời điểm thuận lợi cho bệnh dại phát sinh. Nguy cơ bệnh tiếp tục xuất hiện rất cao, nhất là khi công tác quản lý đàn chó, mèo nuôi tại nhiều địa phương chưa được thực hiện tốt; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin dại đạt thấp, công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh chưa được thực hiện nghiêm túc.

Bệnh dại không chỉ làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mà còn tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Vì vậy, các địa phương cần tổ chức rà soát, thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, hộ gia đình để quản lý; yêu cầu các hộ nuôi cam kết thực hiện nghiêm túc việc khai báo đăng ký chó nuôi, chấp hành việc nuôi giữ chó, mèo trong khuôn viên gia đình; thực hiện xích, nhốt, đeo rọ mõm đúng quy định để ngăn ngừa các trường hợp chó cắn người, giảm nguy cơ chó nhà bị chó dại tiến công. Cùng với đợt cao điểm tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo, cần thường xuyên tiêm phòng bổ sung vắc-xin dại để duy trì tỷ lệ miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh dại phát sinh và lây lan.

Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, cũng như quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Thông qua phong trào “Cộng đồng chung tay phòng, chống bệnh dại hiệu quả” khuyến khích người dân tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế về các trường hợp chó, mèo, động vật nghi mắc bệnh dại để kịp thời xử lý; vận động người bị chó cắn, mèo cào không tự chữa trị tại nhà, hay tìm đến “lang vườn” mà tới ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý vết thương, điều trị dự phòng kịp thời.

Đi đôi với các biện pháp tuyên truyền, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo triển khai biện pháp phòng, chống bệnh dại theo Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó, mèo, cũng như quy định về tiêm phòng vắc-xin dại được quy định tại Nghị định số 90/2017/NÐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ.

Theo Nhandan