Có 7 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 803.993 ca, trong đó có 688.618 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 3-10, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (262 ca), Bình Dương (234 ca), Đắk Lắk (42 ca).

Bản tin Covid-19 sáng 4-10: Số bệnh nhân F0 khỏi bệnh tăng cao; số ca mắc tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương tiếp tục giảm
Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại Hà Nội. Ảnh: vtv.vn 

Không xét nghiệm kháng thể Covid-19  sai mục đích, không cần thiết

Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur các khu vực, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sau khi tiêm vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thần tốc xét nghiệm trên diện rộng, Bộ Y tế đã khẩn trương triển khai nhiều phương thức xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó chủ yếu sử dụng xét nghiệm Realtime RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên để phát hiện các trường hợp mắc Covid-19.

Tuy nhiên, trong thời gian qua đã ghi nhận một số người dân và đơn vị xét nghiệm triển khai xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 để định lượng kháng thể.

Bộ Y tế cho biết hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến cáo về ngưỡng đáp ứng bảo vệ đối với virus gây bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Do đó, để sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục lựa chọn kết hợp các phương pháp xét nghiệm phù hợp, ưu tiên tập trung vào công tác phát hiện sớm ca mắc Covid-19 và triển khai phòng, chống dịch kịp thời.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác truyền thông cho người dân và đơn vị xét nghiệm về lợi ích và giá trị chẩn đoán của các phương pháp xét nghiệm.

TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đến sáng 3-10, thành phố đã có 214.133 bệnh nhân Covid-19 được xuất viện.

Tính đến sáng 3-10, có 395.388 trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó có 395.099 trường hợp nhiễm trong nước, 496 trường hợp nhập cảnh. Số ca F0 đang cách ly điều trị tại nhà là 26.345 người. Số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 15.695 người. Số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 29.352 người.

Trong số các ca mắc Covid-19 tại thành phố, có 2.788 trẻ em dưới 16 và 243 phụ nữ mang thai nhiễm bệnh đang điều trị. Số trường hợp xuất viện trong ngày 2-10 là 4.069 người, số ca xuất viện cộng dồn là 214.133 người.

Theo Cổng thông tin Covid-19 TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 3-10, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 10.527.412 liều vaccine, trong đó mũi 1 là 6.874.708 liều và mũi 2 là 3.652.704 liều. Ngày 3-10, số ca Covid-19 của Thành phố là 2.461 ca.

Theo số liệu thống kê của TP Hồ Chí Minh, hiện nay Thành phố vẫn còn 4% người dân trên 18 tuổi chưa được tiêm mũi 1.

Thành phố đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động xét nghiệm thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hoạt động xét nghiệm sẽ tập trung cho việc giám sát phát hiện các ca bệnh mới, điều tra dịch tễ, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ.

Phân bổ gần 3 triệu liều vaccine Covid-19 cho một số địa phương

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ đợt 50 và 51 với gần 3 triệu liều vaccine Covid-19 AstraZeneca cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh nhận được số lượng nhiều nhất với 1.097.500 liều vaccine. Hà Nội nhận được 100.800 liều; Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là 299.000 liều; CDC tỉnh Long An nhận 400.000 liều; CDC tỉnh Đồng Nai nhận 500.000 liều; CDC tỉnh Bình Dương nhận 400.000 liều; CDC tỉnh Tây Ninh nhận 100.000 liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết từ nay đến hết năm 2021 và nửa đầu 2022, Việt Nam sẽ tiếp cận khoảng 150 triệu liều. Từ nay đến cuối năm, dự kiến khoảng 54 triệu liều vaccine về Việt Nam. Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ theo từng tuần, từng tháng cho các địa phương theo quy định.