Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động phòng, chống bệnh cúm

– Bệnh cúm là bệnh lý quen thuộc và thường có triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh, cảm thông thường. Người mắc bệnh cúm nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Theo báo cáo của Sở Y tế, từ năm 2022 đến nay, số ca mắc cúm trên địa bàn có xu hướng gia tăng, trong đó, năm 2022 toàn tỉnh ghi nhận 6.276 ca mắc cúm (tăng 626 ca so với năm 2021); 3 tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận hơn 1.400 ca mắc cúm, tăng 300 ca so với cùng kỳ năm 2022.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chi Lăng, huyện Tràng Định tuyên truyền cho người dân cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Khi nhập viện, các bệnh nhân được theo dõi, điều trị triệu chứng và có thể hồi phục trong 2 đến 7 ngày. Tuy nhiên, đối với người bệnh có sức đề kháng kém (trẻ em và người lớn tuổi, người mắc các bệnh lý nền) thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân chính của việc gia tăng các trường hợp mắc cúm là do số người mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh cao, sau khi đã mắc COVID-19, mặc dù đã được điều trị khỏi nhưng người mắc COVID-19 vẫn có tổn thương đường hô hấp trên nên dễ mắc cúm hơn. Thêm vào đó, do thời tiết chuyển mùa, thay đổi thất thường đã tạo thuận lợi cho các vi khuẩn lây lan và phát triển. Điều đáng nói là thời gian quan, nhiều người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh cúm, khi mắc bệnh chỉ coi là cảm lạnh, cúm thông thường nên tự mua thuốc để điều trị tại nhà, đến khi bệnh chuyển nặng, diễn biến kéo dài mới đến cơ sở y tế. Chị Nguyễn Thị H, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng có con 1 tuổi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm – Kiểm soát nhiễm khuẩn, Trung tâm Y tế Hữu Lũng chia sẻ: Con tôi bị ho, sổ mũi, sốt nên tôi tự mua thuốc điều trị ở nhà nhưng không khỏi, cháu vẫn sốt, mệt mỏi, kém ăn nên tôi đưa cháu đến Trung tâm Y tế Hữu Lũng khám thì biết con mắc cúm A và được nhập viện điều trị. Sau một tuần điều trị, con tôi đã khỏi bệnh.

Trước thực tế số ca bệnh cúm tăng, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp chủ động trong phòng bệnh. Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm cũng như các loại dịch bệnh khác, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở; chủ động đảm bảo đủ thuốc trong công tác điều trị, tránh để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh cho người dân. Theo đó hoạt động tuyên truyền phòng bệnh cúm và các loại dịch bệnh theo mùa được thực hiện thường xuyên tại các trạm y tế, các trung tâm y tế, bệnh viện khi người dân đến khám và điều trị.

Bên cạnh đó, cuối tháng 3/2023, ngành y tế đã triển khai tiêm vắc xin phòng cúm mùa cho nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh nhằm tạo miễn dịch bảo vệ cho nhân viên y tế (những người thường xuyên tiếp xúc, điều trị bệnh nhân mắc cúm và là mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm khi tiếp xúc với các bệnh nhân khác). Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã triển khai tiêm chủng dịch vụ vắc xin phòng cúm cho Nhân dân để giúp người dân được tiêm chủng để phòng bệnh hiệu quả.

Ông Lý Kim Soi cho biết thêm: Để phòng, chống bệnh cùm mùa, người dân cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Đặc biệt, người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đặc biệt, người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng cúm mùa hằng năm để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.

Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện vắc xin phòng cúm vẫn chưa được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên, người dân có thể tham gia tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Hiện nay, có nhiều loại vắc xin phòng cúm mùa đang được lưu hành, trong đó, 4 loại vắc xin cúm đang được sử dụng tại Việt Nam và trên địa bàn tỉnh bao gồm: Vaxigrip Tetra (Pháp), Influvac Tetra (Hà Lan), GC Flu GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc) và Ivacflu-S (Việt Nam). Các loại vắc xin trên đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và đánh giá chất lượng cũng như mức độ an toàn trước khi lưu hành rộng rãi.

TRIỆU THÀNH