Thứ sáu,  20/09/2024

Độc đáo bún khô ngũ sắc

– Những năm qua, cơ sở sản xuất bún khô Lệ Tri, thôn Lũng Vài, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm bún khô ngũ sắc độc đáo, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Từ đó, tăng  thu nhập cho cơ sở, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.

Từ xưa kia, bún khô là món ăn quen thuộc của người dân xứ Lạng. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của các gia đình. Ở xã Bắc Hùng (trước là xã Trùng Quán) huyện Văn Lãng, gia đình bà Lương Mỹ Lệ (cơ sở sản xuất bún khô Lệ Tri) đã có truyền thống sản xuất bún khô 20 năm qua. Bà Lệ chia sẻ: Từ năm 2003, gia đình tôi đã sản xuất bún khô nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu của bà con trên địa bàn xã. Khoảng 5 năm trở lại đây, với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, gia đình tôi đã mở rộng quy mô sản xuất để tăng thu nhập. Đặc biệt, năm 2020, gia đình tôi đã tìm hiểu và sản xuất bún khô ngũ sắc (5 màu: trắng, tím, đen, cam, xanh lá) để đáp ứng nhu cầu người sử dụng và làm đa dạng thêm sản phẩm.


Bà Lương Mỹ Lệ phơi bún

Để có sợi bún ngon, mềm, dẻo, cơ sở đặc biệt chú trọng nguyên liệu làm bún. Được biết, gạo để làm bún phải là gạo bao thai được trồng tại địa phương và được lựa chọn kỹ. Ngoài bún trắng truyền thống, cơ sở còn sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên có màu đặc trưng như: gạo lứt đỏ, lá cẩm, gấc, lá nếp để tạo nên những màu sắc và mùi thơm khác nhau cho sản phẩm.

Bước đầu tiên làm bún, gạo sẽ được ngâm qua một đêm, sau đó nghiền thành bột, với các loại bún màu sắc khác, các nguyên liệu tự nhiên sẽ được đun lọc lấy nước rồi trộn với bột gạo để tạo màu. Tiếp đó, hỗn hợp được cho vào máy ép để tách sợi và cắt bó sợi bún đều từ 70 đến 80 cm, phơi lên sào. Công đoạn cuối là ủ bún qua đêm để sợi tơi rồi phơi bún ở chỗ râm, có gió.

Bún khô ngũ sắc khi chế biến sẽ được luộc lên trước khi sử dụng. Bởi làm theo quy trình, bí quyết gia truyền nên sợi bún của cơ sở Lệ Tri sau khi luộc sẽ mềm như bún tươi và thơm mùi gạo hoặc mùi đặc trưng của các nguyên liệu tự nhiên. Hiện nay, sản phẩm bún khô ngũ sắc của cơ sở không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh…

Chị Nguyễn Thị Hằng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội cho biết: Trước đây, khi có dịp lên Lạng Sơn du lịch, tôi được thưởng thức sản phẩm bún khô của cơ sở sản xuất bún khô Lệ Tri, tôi rất thích sản phẩm bún ngũ sắc vì màu sắc đẹp, có thể chế biến thành nhiều món. Mặc dù ở Hà Nội nhưng tôi thường xuyên đặt mua bún để ăn và làm quà vì rất tiện dụng bởi bún có thể bảo quản được lâu.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất 1,5 đến 2 tấn gạo (tương đương với 1,6 tấn bún khô). Vào dịp tết hoặc ngày rằm tháng Bảy, cơ sở hoạt động hết công suất, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 1 đến 2 tấn gạo, góp phần tạo việc làm cho 5 hoặc 6 lao động tại địa phương.


Sản phẩm bún khô ngũ sắc của cơ sở sản xuất bún khô Lệ Tri

Bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng cho biết: Cơ sở sản xuất bún khô Lệ Tri thời gian qua thường xuyên cung cấp số lượng lớn sản phẩm bún khô cho thị trường trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm bún khô ngũ sắc của cơ sở được nhiều khách hàng ưa chuộng. Với sự tích cực, chủ động của cơ sở, phòng đã hướng dẫn cơ sở xây dựng phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Theo đó, đầu tháng 9/2022 vừa qua, sản phẩm bún gấc của cơ sở đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn cơ sở sản xuất gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm bún khác và phát triển vùng nguyên liệu để sản xuất bún (gấc, lá nếp, lá cẩm…)

Được biết, thời gian tới, cơ sở sản xuất bún khô Lệ Tri sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, sáng tạo thêm các loại bún làm từ nguyên liệu tự nhiên như nghệ, từ đó cung cấp sản phẩm bún khô truyền thống ra thị trường với số lượng lớn hơn. Qua đó không chỉ góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn góp phần nâng tầm và tạo cơ hội mở rộng thị trường cho sản phâm bún khô truyền thống.

KIM HUYÊN - HOÀNG NHƯ