Có thể khái quát những lợi ích chủ yếu khi Việt Nam hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS trên ba phương diện.

Một là, hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS sẽ hỗ trợ, tăng cường sức mạnh tổng hợp của Việt Nam trong ứng phó với thảm họa, sự cố. Khi hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong ứng phó, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố do thiên tai, dịch bệnh và do sự vô tình hay cố ý của con người gây ra trong các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.

Thực tiễn đã cho thấy, trong thời đại ngày nay, nhiều vấn đề toàn cầu đặt ra đòi hỏi sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế mới giải quyết được, như: Chiến tranh hạt nhân, chiến tranh hóa học, sinh học, khủng bố, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… Đối với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, hợp tác quốc tế đã đem lại hiệu quả thiết thực trong khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom, mìn, chất độc da cam/dioxin…; hiệu quả trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh như bão lũ, động đất, sóng thần, sự cố hạt nhân, điển hình là “Chiến lược ngoại giao vaccine” trong phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về phòng thủ dân sự
Lực lượng cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam hỗ trợ đội cứu hộ Bahrain vào hiện trường vụ động đất tại tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: VĂN HIẾU 

Hai là, hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế hiệu quả sẽ trực tiếp góp phần kiến tạo, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS vừa qua cho thấy, khi lòng tin của Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế được tăng cường đã tạo nên sự cởi mở, thu hẹp những bất đồng, tăng cường sự đồng thuận về quan điểm, lập trường, lợi ích đối với quốc phòng, an ninh, phòng, chống chiến tranh, ứng phó với thảm họa, sự cố do thiên tai hoặc do các hoạt động kinh tế-xã hội của con người gây ra; qua đó góp phần tích cực vào gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Ba là, hội nhập quốc tế về PTDS góp phần thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác. Về bản chất, PTDS với kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội có mối quan hệ biện chứng. Đó là quan hệ tương hỗ, quan hệ giữa mục đích và phương tiện. PTDS nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tối đa thiệt hại của thảm họa, sự cố xảy ra đối với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo điều kiện cho các lĩnh vực khác của đời sống xã hội ổn định, phát triển. Các lĩnh vực khác của đời sống xã hội là nơi cung cấp nguồn lực bảo đảm cho mọi hoạt động của PTDS. Trong bối cảnh an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, khó lường thì hội nhập là cấp thiết, góp phần bảo đảm môi trường an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam với các nước.

Để hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS của Việt Nam mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đòi hỏi phải đáp ứng những yêu cầu có tính nguyên tắc nhất định. Điều đó đang được pháp luật hóa trong dự thảo Luật PTDS. Đây chính là sự thể chế hóa, pháp luật hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về hội nhập, hợp tác quốc tế trong các hoạt động PTDS.

Tại Điều 8, dự thảo Luật PTDS “Hợp tác quốc tế trong PTDS” đã quy định rõ nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về PTDS. Về nguyên tắc được quy định trong khoản 1 của điều luật trên, gồm ba điểm: Thứ nhất, bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Thứ hai, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế hợp tác trong PTDS; chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm, cứu nạn. Thứ ba, ưu tiên hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; phối hợp tìm kiếm cứu nạn; hợp tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp công trình PTDS.

Về nội dung hợp tác quốc tế về PTDS, tại khoản 2 của Điều 8 dự thảo Luật PTDS xác định rõ: Thứ nhất, trao đổi thông tin, dự báo, cảnh báo thảm họa, sự cố. Thứ hai, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ thảm họa. Thứ ba, cứu trợ nhân đạo. Thứ tư, đào tạo, huấn luyện, diễn tập, đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Các nội dung hợp tác quốc tế về PTDS được tiến hành trên cơ sở các hiệp định hợp tác cụ thể liên quan đến PTDS mà Việt Nam tham gia với tư cách một bên hoặc thành viên.

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa qua, dự thảo Luật PTDS đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc quy định điều khoản hợp tác quốc tế về PTDS. Điều này xuất phát từ thực tiễn thiên tai, thảm họa, sự cố đã xảy ra với quy mô, cấp độ ngày càng lớn, không chỉ ở một quốc gia, khu vực mà còn ở quy mô toàn cầu; phù hợp với xu thế quốc tế khi nhiều quốc gia hết sức coi trọng và đã ban hành đạo luật riêng về PTDS hoặc quy định tại các văn bản pháp luật liên quan, như: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Các đạo luật về PTDS ở những quốc gia này đều có quy định hợp tác quốc tế về PTDS.

Tới đây, dự thảo Luật PTDS sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua. Khi luật thông qua và đi vào cuộc sống, chúng ta cần kịp thời xây dựng Chiến lược quốc gia về PTDS; trong đó có nội dung hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS của Việt Nam. Cùng với Luật PTDS, đây sẽ là cơ sở quan trọng của PTDS nói chung, của hội nhập, hợp tác quốc tế về PTDS nói riêng giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức quốc tế.

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/day-manh-hoi-nhap-quoc-te-ve-phong-thu-dan-su-719548