Thứ sáu,  20/09/2024

Báo chí Lạng Sơn trên chặng đường đổi mới

LSO- Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, các cơ quan báo chí của tỉnh Lạng Sơn đã và đang nỗ lực đổi mới để bắt kịp xu thế chung của thời đại. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng các ấn phẩm, chương trình, đáp ứng được yêu cầu của tỉnh, nhu cầu của bạn đọc, công chúng.

Phóng viên tác nghiệp tại Giải đua xe đạp cúp Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 30, khai mạc tại tỉnh Lạng Sơn (tháng 4/2018).  Ảnh: THANH HUYỀN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ quan báo chí của tỉnh (Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng (VNXL) thuộc Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh); 3 cơ quan báo chí trung ương thường trú gồm: Báo Nhân dân, Báo Tiền phong và Thông tấn xã. Cùng với đó, nhiều sở, ban, ngành có bản tin nội bộ, tập san, trang thông tin điện tử của ngành… góp phần làm phong phú kênh thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh.

Trên chặng đường đổi mới, Báo Lạng Sơn đã có những dấu mốc bứt phá cả về chất và lượng. Cách đây hơn mười năm, Báo Lạng Sơn phát hành 3 số/tuần, khổ 40×56 cm (khổ to); đến năm 2008, báo đã tăng lên 5 số/tuần và cho ra đời Trang tin điện tử. Hiện nay, cả hai ấn phẩm báo in và trang tin điện tử đều hoạt động ổn định, báo in chuyển về khổ  28x42cm (khổ nhỏ) với 8 trang, trong đó có 4 trang in màu, có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung, cách thức tuyên truyền. Hiện nay, trong xu thế phát triển chung của báo chí hiện đại, Báo Lạng Sơn đang từng ngày nỗ lực đổi mới như: sắp xếp lại các phòng chuyên môn, phân công cụ thể các mảng, lĩnh vực, địa bàn đến từng phóng viên; tổ chức xác định bài đinh, chủ đề từng số báo; xây dựng các trang chuyên đề, chủ đề cụ thể.

Đồng chí Hoàng Đình Hôm, Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn cho biết: Đổi mới là nhu cầu tất yếu của các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Lạng Sơn. Lộ trình từ nay đến năm 2025, Báo Lạng Sơn đã và đang xây dựng đề án đổi mới toàn diện. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo đổi mới về nội dung, hình thức trình bày theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn, chỉ đạo phản ánh kịp thời những vấn đề thời sự; nâng cấp trang tin điện tử lên thành báo điện tử; hoàn thiện thủ tục trình xin chuyển đổi số thứ Sáu thành số cuối tuần. Cùng với đó, từng bước nghiên cứu, đi học tập các báo bạn để tiến tới xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ nhằm bắt kịp xu thế báo chí hiện đại.

Phóng viên Đài PT-TH Lạng Sơn và các đồng nghiệp phỏng vấn chỉ huy đảo Tốc Tan thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.  Ảnh: ĐÌNH QUANG

Cùng với sự đổi mới của Báo Lạng Sơn, thời gian qua, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh cũng có những đổi mới tích cực, hiệu quả. Thời lượng phát sóng các chương trình truyền hình của đài đã tăng từ 12 tiếng/ngày lên 18 tiếng/ngày và từ năm 2013 đã phát sóng qua vệ tinh. Hiện nay, chương trình phát thanh hằng ngày được duy trì đều đặn bằng 3 thứ tiếng dân tộc: Kinh, Dao, Tày – Nùng. Từ tháng 6/2017, đài thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh theo hướng phát thanh trực tiếp tất cả các chương trình phát thanh buổi trưa từ thứ 2 đến thứ 7 hằng tuần với nhiều tiểu mục nhỏ thu hút thính giả tương tác trực tiếp trong chương trình. Về truyền hình, hiện đài duy trì phát sóng trên 2.000 bản tin và chương trình thời sự/năm; cùng với đó là 365 bản tin tiếng Trung Quốc, phát sóng 44 chuyên đề, chuyên mục; thực hiện 216 chương trình truyền hình tiếng dân tộc Dao và tiếng Tày.

Đối với Tạp chí VNXL, thời gian qua đã phát huy vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Lạng Sơn, trở thành diễn đàn đăng tải những tác phẩm VHNT của hội viên cũng như lực lượng sáng tác VHNT đông đảo ở trong và ngoài tỉnh. Bà Vi Thị Thu Đạm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí VNXL cho biết: Đổi mới nhất của tạp chí là tăng số kỳ xuất bản và tăng trang. Trước đây, tạp chí xuất bản 1 số/quý với 32 trang thì đến tháng 10/2012, tạp chí đã tăng kỳ xuất bản 1 số/tháng, đến năm 2013 thì tăng lên 64 trang, trong đó có 4 trang in màu. Nội dung đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; giới thiệu các sáng tác VHNT trong tỉnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trung bình 1 năm, tạp chí đăng tải khoảng 550 tác phẩm VHNT.

Có thể thấy rằng, thời gian qua, các cơ quan báo chí của tỉnh đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng chuyên môn, bám sát sự chỉ đạo, định hướng tuyên truyền. Đồng chí Nông Văn Thảm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo: Thời gian tới, các cơ quan báo chí của tỉnh cần tiếp tục tạo được những đột phá trong đổi mới nội dung, hình thức thể hiện, nâng cao hơn nữa chất lượng tác phẩm báo chí. Tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, phản ánh kịp thời các vấn đề thời sự. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cần tăng cường hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để họ có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới, thời đại truyền thông xã hội đang bùng nổ như hiện nay.

THANH HUYỀN