Thứ sáu,  20/09/2024

Sắc thái mới ở Khu du kích Ba Sơn

(LSO) – Khu du kích Ba Sơn (DKBS) gồm các xã: Xuất Lễ, Cao Lâu, Mẫu Sơn, Công Sơn (Cao Lộc). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây làm nên nhiều chiến thắng vang dội, góp phần tích cực vào chiến dịch giải phóng biên giới 1950, cùng với đồng bào cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ghi nhận những thành tích đó, Khu DKBS đã được Đảng và Nhà nước phòng tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp.

Chúng tôi đến xã Xuất Lễ đúng dịp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng Khu DKBS (5/3/1949 – 5/3/2019). Ông Đinh Văn Vanh, sinh năm 1928 ở thôn Bản Ranh, xã Xuất Lễ nhớ lại: Ngày 4/3/1949, bộ đội và du kích bắt đầu nổ súng tấn công đồn Nà Phia ở xã Xuất Lễ. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Bị ta tấn công bất ngờ, quân địch ngoan cố chống trả, sau nhiều trận giao tranh ác liệt, rạng sáng ngày 5/3/1949 (tức ngày 6/2 âm lịch), hơn 100 tên địch đã xin đầu hàng, quân ta hoàn toàn làm chủ đồn Nà Phia.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Khu DKBS không ngừng vươn lên xóa đói, giảm nghèo, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện. Giờ đây, đến Khu DKBS là một màu xanh ngút ngàn của núi rừng biên cương, khắp các bản làng đều khoác trên mình những ngôi nhà lợp mái đỏ tươi, chạy quanh là những con đường bê tông trải dài đã góp phần làm cho cuộc sống của người dân nơi biên cương được nâng lên.

Lãnh đạo huyện Cao Lộc tặng quà nhân dân Khu du kích Ba Sơn

Ông Tô Tiến Tường, Bí thư Đảng ủy xã Xuất Lễ cho biết: Nhờ được đầu tư các dự án trồng rừng, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, nên đời sống bà con không ngừng được nâng cao, nhiều hộ dân xây được nhà kiên cố; trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang, hệ thống đường giao thông liên thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho xe ô tô vận chuyển hàng hóa đến phục vụ bà con các thôn, bản. Trên khắp các bản làng vùng căn cứ khu du kích năm xưa đang có những đổi thay tích cực. Năm 2018, số hộ nghèo của xã giảm 8,2% so với năm 2017, số hộ cận nghèo giảm 2,89% so với năm 2017.

Nông Lâm trường 196 thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 338, Quân khu 1 đóng quân trên địa bàn xã Xuất Lễ, có nhiệm vụ thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn biên giới. Những năm qua, đơn vị tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp nhân dân trong Khu DKBS phát triển kinh tế trồng rừng, xây dựng bản biên giới, làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi. Thượng tá Nguyễn Ngọc Thuyên, Chính trị viên Nông lâm trường 196 cho biết: Khi mới triển khai thực hiện dự án trồng rừng, nhận thức của một số người dân còn hạn chế, do phải chờ một thời gian dài rừng mới đem lại hiệu quả kinh tế. Để làm thay đổi suy nghĩ của người dân, đơn vị thường xuyên tổ chức 6 tổ đội công tác xuống bám dân, bám bản, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao nhận thức về lợi ích, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng đem lại, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bằng sự quyết tâm, Nông lâm trường 196 xây dựng kế hoạch, lựa chọn đầu tư vào những địa bàn trọng điểm, tổ chức cán bộ đến từng thôn, bản, nhà dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phát triển trồng rừng. Từ năm 2001 đến nay, đơn vị trồng được trên 2.000 ha rừng, bàn giao cho hơn 900 hộ gia đình khu vực biên giới quản lý, chăm sóc, khai thác, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân khu vực biên giới. Riêng năm 2018, đơn vị đã bàn giao cho nhân dân trên địa bàn quản lý, chăm sóc, khai thác khoảng 135 ha. Để có cuộc sống ấm no như ngày nay, ông Dương Văn Cò ở thôn Thạch Khuyên, xã Xuất Lễ cho biết: Được bộ đội Nông lâm trường 196 tuyên truyền, vận động, gia đình đã nhận đất, nhận rừng, không để đất trống đồi núi trọc, tích cực trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng, chủ yếu là thông mã vĩ, cây hồi. Nhờ đó, trung bình mỗi năm gia đình khai thác nhựa thông và gỗ cho thu nhập ổn định từ 100 đến 150 triệu đồng.

Bản Co Sâu thuộc thôn bản Vàng, xã Cao Lâu được thành lập năm 2013. Hiện bản có 23 hộ đến định cư sinh sống, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhiều hộ gia đình đã nỗ lực từng bước phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Bản Co Sâu có từ trước đây, nhưng do sự cố biên giới nên người dân di cư sâu vào nội địa. Để tái lập bản, Nông lâm trường 196 đã hỗ trợ cơ sở hạng tầng như: điện, đường bê tông, công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa… Anh Hà Trọng Nghiệp ở bản Co Sâu phẩn khởi chia sẻ: Bản mới, hạ tầng mới, tư liệu sản xuất mới, chỉ sợ mình không có sức mà làm giàu thôi. Nói rồi anh chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà khang trang, với lá cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng, phấp phới tung bay trong gió nơi biên giới.

Đóng quân trên địa bàn xã Cao Lâu, nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Ba Sơn (BPBS) luôn làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Trung tá Trần Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn BPBS cho biết: Đơn vị phụ trách địa bàn 3 xã: Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn thuộc Khu DKBS, từ năm 2010 đến nay, cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp đỡ các địa phương xây dựng hơn 10 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo giáp biên. Đồng thời, nhân dịp lễ, tết, đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình phối hợp cùng bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con trên địa bàn, nhờ đó tình quân, dân nơi biên giới ngày càng thắt chặt.

Trên bước đường đi lên, nhân dân ở vùng căn cứ Khu DKBS tuy còn gặp nhiều khó khăn, song với truyền thống yêu nước, bà con nơi đây luôn đoàn kết, một lòng xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với mảnh đất anh hùng một thời khói lửa.

NÔNG ĐÌNH QUANG