Thứ sáu,  20/09/2024

Hội nghị trực tuyến phiên họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Sáng nay (23/7) tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xác định năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, triển khai thử nghiệm và đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng Chính phủ điện tử. Tháng 3/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, 100% các bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% các bộ, ngành và 32/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17 của Chính phủ.

Việc xây dựng các hệ thống Chính phủ điện tử, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng đã được thực hiện. Trong đó, đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ chính thức khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), đây chính là phương thức làm việc mới của Chính phủ hướng tới Chính phủ không giấy tờ, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng được triển khai như: xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia; xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Ngoài ra, tính đến quý II/2019, tại các địa phương đã cung cấp 43.369 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4…

Bộ Công an phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại hội nghị, nhiều nội dung được các ban, ngành, địa phương tập trung thảo luận, trong đó tập trung việc triển khai những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 17; kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong phục vụ người dân và doanh nghiệp; giải pháp phát triển cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Quá trình xây dựng Chính phủ điện tử là công việc mới, nhiều khó khăn và nhiều vấn đề cần xử lý, giải quyết, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Đồng thời, đòi hỏi sự tập trung cao độ các nguồn lực của các bộ, ban, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết số 17 nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, trong đó lấy doanh nghiệp, nhân dân làm trung tâm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ chữ ký số theo đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý của văn bản điện tử; khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh, kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục đã phê duyệt…

TRANG VÂN