Thứ sáu,  20/09/2024

Phát huy sức mạnh toàn dân từ phong trào thi đua “dân vận khéo”

Giáp Thị Bắc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

(LSO) – Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Bác Hồ đặc biệt quan tâm  công tác dân vận. Thực hiện lời dạy của Người trong bài báo “Dân vận” năm 1949: “Lực lượng của dân rất to, việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, công tác dân vận của hệ thống chính trị những năm qua đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Một trong những giải pháp quan trọng để đạt được kết quả đó là phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”.

Ngay từ năm 2009, sau khi Ban Dân vận Trung ương triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức thực hiện phong trào có chiều sâu và đi vào thực chất, gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020”. Tỉnh đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá, thủ tục và hình thức công nhận, khen thưởng điển hình “Dân vận khéo” phù hợp với thực tiễn tại địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm những hạn chế, yếu kém, kịp thời biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc theo từng giai đoạn. Để tiếp tục duy trì thúc đẩy phong trào, tỉnh luôn quan tâm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo” bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; năm 2018 đã tổ chức hội thi “Dân vận khéo” ở cả 3 cấp với 1.023 đội thi và trên 5.000 thí sinh tham gia, tạo nên sức lan tỏa sâu rộng. Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm, giải quyết có hiệu quả hơn những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân; tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, tổ chức tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân thực hiện giám sát, phản biện; phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, cốt cán trong tôn giáo…

Dân quân và bộ đội biên phòng giúp nhân dân xã Thanh Lòa (Cao Lộc) làm đường giao thông.  Ảnh: ĐÌNH QUANG

Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh đã có 4.198 mô hình “Dân vận khéo” (1.781 mô hình tập thể, 2.417 mô hình cá nhân). Trong đó có 1.497 mô hình thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế, 1.222 mô hình thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội, 618 mô hình về lĩnh vực an ninh – quốc phòng và 861 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế đó là các mô hình “Dân vận khéo” trong sản xuất, kinh doanh, nhất là ở địa bàn nông thôn như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường… Đặc biệt, xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động sự tham gia tích cực của nhân dân đóng góp kinh phí, hiến đất, sức lao động, xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ dân đã tự nguyện ủng hộ xây dựng nông thôn mới được trên 543 tỷ đồng; hiến trên 746.000 m2 đất và 800 nghìn ngày công lao động xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 23,2%, bình quân mỗi xã đạt 10,04 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Phấn đấu hết năm 2019 sẽ có 60/207 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 29% số xã. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38,4 triệu đồng. Toàn tỉnh không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 25,95% năm 2015 xuống còn 14,56% đến hết tháng 6/2019, bình quân hằng năm giảm 3,25%. Hằng năm, có khoảng 10.000 hộ nông dân đạt danh hiệu thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, các mô hình đã được cụ thể hóa thông qua việc thực hiện quy ước, hương ước thôn, bản, các quy định về văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; tổ chức các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tuyên truyền thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm… Đến nay, có 226/226 xã đạt chuẩn người biết chữ mức độ 1; duy trì vững chắc kết quả 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập tiểu học. 100% số xã, phường, thị trấn có lớp mầm non. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 95,5%; 187/226 trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh có 96% thôn, bản, khối phố có nhà văn hóa, 74% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 52% thôn, bản, khối phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, 73% xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập thể thao. Tỷ lệ hộ dân được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 100%; 100% xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ điện thoại, dịch vụ Internet.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thanh Lòa giúp dân thu hoạch lúa.  Ảnh: ĐÌNH QUANG

Trên lĩnh vực an ninh – quốc phòng, đã xuất hiện nhiều điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng và thành lập tổ tự quản, tổ hòa giải; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; câu lạc bộ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; truyền thông, tư vấn pháp luật; tư vấn pháp lý, phòng chống mua bán người… Qua đó, đã góp phần giải quyết tốt các mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, làm thất bại âm mưu và các hoạt động chống phá Đảng, chính quyền của các thế lực thù địch, đảm bảo an ninh chính trị, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững, ổn định; công tác quân sự địa phương, công tác tuyển quân hằng năm luôn đạt kết quả 100%. Các lực lượng vũ trang thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh ngăn chặn và chủ động xử lý tình huống, không để phát sinh thành điểm nóng; duy trì và đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện QCDC ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vận động nhân dân tham gia ý kiến đối với các chính sách, pháp luật liên quan mật thiết đến cuộc sống người dân; mở rộng hình thức tiếp xúc cử tri (tại nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng và cá nhân hoặc nhóm cử tri…), tăng đồng thuận, mở rộng dân chủ, phát huy tốt hơn trách nhiệm của cử tri trong việc tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Cơ quan hành chính nhà nước xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân. MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, chăm lo lợi ích hợp pháp, chính đáng, phát huy quyền làm chủ của đoàn viên, hội viên và nhân dân; tổ chức tốt các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt hương ước, quy ước gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động.

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, lợi ích thiết thực cho nhân dân, trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”  gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020. Xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và của cả hệ thống chính trị.

Hai là, tăng cường, đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới, phát huy vai trò tham mưu, đồng thời là nòng cốt thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, lựa chọn phương thức vận động nhân dân sao cho phù hợp, hiệu quả. Xây dựng mô hình tập thể, cá nhân điển hình “Dân vận khéo” theo từng lĩnh vực cụ thể phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương, cơ sở; trở thành phong trào thi đua rộng khắp, góp phần tham gia phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Ba là, duy trì, phát triển bền vững những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã có, tích cực nhân rộng các mô hình hay, điển hình tốt, những nhân tố mới, gắn với các phong trào thi đua yêu nước của các cấp chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai, thực hiện để đảm bảo phong trào thi đua thực chất, hiệu quả. Tích cực tuyên truyền, biểu dương kịp thời các gương điển hình và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để nhân ra diện rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Từ thực tiễn đã khẳng định, việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, được các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện; được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia. Phong trào đã đi vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế – xã hội; quốc phòng – an ninh; phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động của nhân dân, huy động được nhiều nguồn lực và các lực lượng làm công tác vận động quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.