Thứ sáu,  20/09/2024

Truyền thống quê hương đã hun đúc nên người con ưu tú của Xứ Lạng

Nguyễn Đình Đại, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Văn Quan

(LSO) – Sinh ra trong một gia đình hiếu học, giàu tình cảm, lòng nhân ái và lớn lên trên mảnh đất Văn Quan giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, đồng chí Lương Văn Tri đã được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tư tưởng cách mạng để rồi trở thành người chiến sĩ cộng sản kiên trung, có những đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng Lạng Sơn và phong trào cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Lương Văn Tri sinh ngày 17/8/1910 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và hiếu học tại làng Bản Hẻo, xã Mỹ Liệt, tổng Mỹ Liệt, châu Văn Uyên (nay là thôn Bản Hẻo, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Mỹ Liệt, Văn Uyên, nơi sinh ra người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn vốn được coi là một miền quê trù phú, hữu tình với những cánh đồng đất đai mầu mỡ, những cánh rừng hồi xanh ngát, những con suối hiền hòa, thơ mộng đã đem lại cho con người nơi đây cuộc sống bình yên, no ấm.

Người dân, lực lượng vũ trang trên địa bàn tìm hiểu bài dự thi về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đồng chí Lương Văn Tri tại Bảo tàng tỉnh.  Ảnh: TUYẾT MAI

Thân phụ của đồng chí Lương Văn Tri là ông Lương Lợi Tiên, với truyền thống hiếu học, ông được cha, mẹ cho theo học chữ nho với các thầy đồ trong xã, ngoài tổng. Ông là một trong số ít người ở Tổng Mỹ Liệt là hay chữ và có hiểu biết về thời thế. Thân mẫu của đồng chí Lương Văn Tri là bà Hoàng Thị Liềm, con cháu dòng họ Hoàng ở Mỹ Liệt từ lâu đời. Bà giỏi việc nữ công gia chánh, hay lam hay làm, nhất mực thương yêu chồng con. Ông bà Lương Lợi Tiên, Hoàng Thị Liềm sinh được ba người con là Lương Thị Tích, Lương Văn Tri và Lương Văn Hành.

Tuổi thơ êm đềm bên tình yêu thương của cha mẹ là ký ức đẹp đẽ không bao giờ phai mờ trong suốt quãng đời tuổi trẻ của Lương Văn Tri. Năm Lương Văn Tri lên 6 tuổi, do bệnh nặng, bà Hoàng Thị Liềm đã qua đời, chị em Lương Văn Tri đã sớm phải chịu mồ côi mẹ, gánh nặng gia thất dồn lên vai người cha vừa phải đi phu phen, sưu dịch, vừa lo cấy trồng, chăm lo cho con, vừa nuôi dưỡng cha mẹ già trong cảnh nhà hiu quạnh.

Trước cảnh “gà trống nuôi con” của ông Lương Lợi Tiên, xuất phát từ tình yêu thương, đồng cảm với ông, bà Lương Thị Nịnh đã trở thành người vợ thứ hai của ông, cùng ông gánh vác việc gia đình, chăm lo, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ già. Bà đã dành cho chị em Lương Văn Tri sự chăm chút ân cần của một người mẹ với các con của mình. Chị em Lương Văn Tri cũng đã dành cho mẹ kế tình cảm quý trọng và biết ơn; ngoan ngoãn, chăm chỉ giúp đỡ cha mẹ những việc có thể làm được. Ông Lương Lợi Tiên và bà Lương Thị Nịnh sinh được hai người con là Lương Văn Nhàn và Lương Thị Thêm.

Tình cảm nhân ái, bao dung, nhân hậu của cha, mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến đồng chí Lương Văn Tri, đó là lòng thương cảm khi thấy nỗi cơ cực của người dân quê mình dưới ách thống trị của lý trưởng, cường hào, của bọn đế quốc xâm lược. Chính từ sự bất bình trước sự áp bức, bất công của  những người dân trong bản, ngọn lửa cách mạng bắt đầu được nhen nhóm, nung nấu trong con người đồng chí Lương Văn Tri. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm lên 7 tuổi, Lương Văn Tri được cha cho theo học cùng với các bạn ở trường làng.

Kế thừa, tiếp nhận tình cảm và những đức tính của quý báu của cha, mẹ; ngay từ thuở niên thiếu, cắp sách đến trường làng học chữ Nho, đồng chí Lương Văn Tri đã sớm bộc lộ đức tính trung thực, thẳng thắn, chăm chỉ học tập và làm việc giúp đỡ gia đình. Sống trong gia đình có nền nếp, đồng chí luôn có ý thức noi gương cha, mẹ trong quan hệ ứng xử với người thân, anh, em, bạn bè trong làng, ngoài xóm. Trong học tập cũng như vui chơi, đồng chí luôn quan tâm, giúp đỡ bạn bè với tình cảm chân thành, cởi mở. Sau ba năm Lương Văn Tri học ở trường làng, thấy con mình ham học, học hành chăm chỉ, tiến bộ, ông bà Lương Lợi Tiên đã liên hệ cho Lương Văn Tri theo học tại trường sơ học yếu lược ở phố Điềm He, châu Điềm He. Là học sinh xuất sắc tại trường sơ học ở Điềm He, Lương Văn Tri đã được chọn tuyển vào học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt, thị xã Lạng Sơn.

Trong thời gian học tại trường Tiểu học Pháp – Việt, đồng chí Lương Văn Tri và người bạn cùng chí hướng là đồng chí Hoàng Văn Thụ được chứng kiến nhiều biến động mới của phong trào yêu nước đang diễn ra sôi nổi khắp cả nước; những biến đổi đó đã tác động mạnh mẽ tới tư tưởng của người thanh niên Lương Văn Tri. Cuộc đấu tranh của thanh niên học sinh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (năm 1925) và để tang nhà yêu nước Phan Chu Trinh (năm 1926) do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động đã dấy lên phong trào đấu tranh yêu nước rộng khắp trong cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng. Hoạt động của nhóm thanh niên yêu nước ở Trường Tiểu học Pháp – Việt do Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri là hạt nhân nòng cốt đã tìm hiểu, ngiên cứu, góp phần tuyên truyền tài liệu, truyền đơn của  Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở thị xã Lạng Sơn – đó là những hoạt động cách mạng đầu tiên của đồng chí Lương Văn Tri.

Truyền thống của quê hương, gia đình đã hun đúc nên người chiến sĩ cộng sản kiên trung Lương Văn Tri – người con ưu tú của Xứ Lạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng Lạng Sơn và cả nước. Năm tháng sẽ đi qua nhưng những cống hiến của đồng chí cho đất nước, quê hương vẫn luôn sống mãi trong lòng dân tộc và mỗi người dân Xứ Lạng. Tấm gương của đồng chí mãi tỏa sáng, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vươn lên xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước.