Thứ sáu,  05/07/2024

Chuyện ít biết về xây dựng tượng đài Hoàng Văn Thụ

– Vào dịp lễ hội, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước và nhất là khi tết đến, xuân về, đồng bào các dân tộc xứ Lạng lại nô nức, hẹn hò tụ hội tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ để giao lưu, hát Sli, Lượn trao đổi tâm tình…

Khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ nằm kề sông Kỳ Cùng uốn lượn thuộc phường Chi Lăng, trung tâm thành phố Lạng Sơn. Đến với tượng đài, mỗi cán bộ, chiến sỹ và nhân dân lại thêm tự hào hơn về bề dày truyền thống lịch sử quê hương đã hun đúc nên tinh thần, ý chí, cách mạng và sản sinh ra những người con ưu tú tiêu biểu như Hoàng Văn Thụ. Đây không chỉ là điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống ý nghĩa đối với mọi người và còn là nơi diễn ra các hoạt động Văn hóa, văn nghệ tươi vui, sôi nổi. Nhân dịp xuân Quý Mão 2023, xin thuật lại câu chuyện về việc đầu tư, xây dựng công trình kiến trúc văn hóa tiêu biểu của tỉnh Lạng Sơn: Tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ.

  Gặp người tạc tượng đài

Sáng ngày 19/8/1994, tại khu vườn hoa Đắc Lắk – Lạng Sơn (cũ) thuộc phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn diễn ra Lễ khởi công xây dựng khuôn viên Hoàng Văn Thụ. Sau đó, trong hai ngày (15 và 16/10/1994), tượng Hoàng Văn Thụ tạc bằng đá nặng hàng chục tấn được cần cẩu đặt ngay ngắn lên bệ. Hàng ngàn người chen chân quanh công trình, hồi hộp theo dõi từng thao tác của những người thợ lành nghề dưới sự chỉ huy của đại tá, nghệ sỹ điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Ngày đó, tôi là họa sỹ kiêm biên tập viên Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng (Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn), được giao nhiệm vụ tiếp cận, hỏi chuyện nhà điêu khắc lừng danh này. Đúng như tôi hình dung, ông Bạo là người kiệm lời nhưng khi đề cập đến câu chuyện chuyên môn thì xởi lởi, dễ gần. Nhiều lúc, ông sôi nổi, say mê khi nói về những ý tưởng, sáng tạo nghệ thuật, nhất là nghệ thuật tượng đá- một thể loại còn mới và khó ở nước ta. Vốn là đồng nghiệp, tôi được nghe nhiều về người điêu khắc tài hoa này: Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước. Ông đoạt các giải thưởng lớn như: tượng đài “Bất khuất” giải thưởng Hà Nội 1964, “Mê Kông”, “Mẹ lá chắn”, “Hòa bình” giải Nhất triển lãm điêu khắc toàn quốc 1983, “Vọng phu” giải Nhất triển lãm điêu khắc toàn quốc 1993…Tạ Quang Bạo đã tham gia một số tượng đài như: “Chiến thắng Quế Sơn” (Quảng Nam Đà Nẵng), tượng đài Kép (Hà Bắc), Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, “Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh” (Hà Nội)…

Về với Xứ Lạng, trực tiếp tham gia công trình ý nghĩa này, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho biết, khi được mời phác thảo, xây dựng tượng đài Hoàng Văn Thụ, bản thân ông rất phấn khởi nhưng cũng lo bởi dựng tượng đài một lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng là vinh dự nhưng trách nhiệm nặng nề. “Tôi dành nhiều thời gian để sưu tầm, tìm đọc kỹ về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Hoàng Văn Thụ. Có thể nói, trong những năm tháng dân ta lầm than, u mê tăm tối, bản thân bị bắt, giam trong ngục tù nhưng Hoàng Văn Thụ vẫn toát lên niềm tin tất thắng. Từ đó, tôi hết sức tìm tòi để xây dựng hình tượng Hoàng Văn Thụ sao cho thể hiện được những ý tưởng đó. Làm tượng đài chiến thắng đã khó, thể hiện hình tượng danh nhân như đồng chí Hoàng Văn Thụ lại càng khó hơn”- Ông Bạo tâm sự.

Theo nhà điêu khắc Tạ Quang Đạo, tượng đài Hoàng Văn Thụ là một công trình làm bằng chất liệu bền vững, đá hoa cương- một loại vật liệu đầu tiên được sử dụng ở các tỉnh phía Bắc lúc bấy giờ. Tượng cao 7m (trong đó thân tượng cao trên 4m), đặt trong khuôn viên rộng 527m2 với quy mô của một công viên cấp thành phố hoàn chỉnh từ quang cảnh chung ăn nhập với tượng đài, mặt bằng phố phường và cây xanh. Hiện nay, tượng đài Hoàng Văn Thụ nằm cạnh Bảo tàng tỉnh, cổng chính quay về phía UBND tỉnh thuộc đường Đinh Tiên Hoàng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

  Nỗ lực vì công trình ý nghĩa

Công trình trải qua 77 ngày đêm làm việc không mệt mỏi, lúc cao điểm tại công trình có tới 7 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật cùng hàng trăm công nhân lành nghề. Lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành chức năng thuộc Ban chỉ đạo công trình liên tục đến hiện trường để đôn đốc, chỉ đạo thi công.

Nhiều sự kiện, Văn hóa- văn nghệ được tổ chức tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ

Ông Vũ Thư Viện, Phó giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin và Thể thao tỉnh Lạng Sơn kiêm Trưởng ban quản lý công trình ngày đó cho biết “Từ những phác thảo đầu tiên của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đến việc thi công, ốp đá hoa cương lấy từ thủ đô Hà Nội về đều ăn khớp, nhịp nhàng, hiệu quả cao. Tại công trình, không cần băng rôn, khẩu hiệu gì nhưng tinh thần, quyết tâm có sẵn trong tim những cán bộ, công nhân tham gia xây dựng tượng đài. Ban ngày, ngớt mưa lại làm, ban đêm dưới ánh điện 1.500 W, công việc tiến hành thi công đến 23 giờ khuya”.

Sáng sớm 4/11/1994, nắng vàng nhẹ trong tiết trời thu xứ Lạng, đúng kỷ niệm lần thứ 85 ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ, công trình tượng đài chính thức được khánh thành, đưa vào sử dụng. Tượng đài Hoàng Văn Thụ sừng sững, uy nghi giữa mây trời xanh tươi. Hàng ngàn đồng bào các dân tộc vận những bộ quần áo truyền thống của mình đổ về khuôn viên Hoàng Văn Thụ mỗi lúc một đông.

Về chung vui với Lạng Sơn, đồng chí Nông Đức Mạnh, khi đó là Chủ tịch Quốc hội thay mặt lãnh đạo đảng, nhà nước, chính phủ dâng hương, hoa trước tượng đài Hoàng Văn Thụ. Phát biểu tại đây, Chủ tịch Quốc hội xúc động nói: “Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc, thôi thúc, động viên chúng ta tiến bước trên chặng đường cách mạng. Hoàng Văn Thụ là lãnh đạo tiền bối đặc sắc của Đảng, người con ưu tú của đồng bào các dân tộc Lạng Sơn, là tấm gương sáng, cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau…”.

Trong tiếng nhạc, khúc ca truyền thống, bên cạnh những màn múa lân sư rồng của các nghệ nhân địa phương, 85 bó hoa tươi thắm của tập thể thầy và trò Trường phổ thông nội trú tỉnh nhà được xếp ngay ngắn dưới chân tượng đài.

Trong không khí náo nhiệt, hân hoan, tôi nhác thấy nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo lặng lẽ lui vào một góc khuôn viên có lùm cây xanh vừa ra những quả nhỏ li ti, ông rưng rưng xúc động. Ông đưa ánh mắt nhìn trìu mến pha lẫn tự hào khi thấy một tượng đài Hoàng Văn Thụ hoành tráng, uy nghiêm, sinh động hiện ra trước mắt.

“Quả thật mà nói, là một nghệ sỹ tôi luôn mong muốn những tác phẩm của mình được đưa ra giới thiệu trước công chúng và đứng vững được với thử thách thời gian. Đó là hạnh phúc vô giá, lớn mấy ai có được trong đời!”. Ông Bạo xúc động nói.

  Hân hoan ngày mới

Kể từ ngày khánh thành, tượng đài Hoàng Văn Thụ đã trở thành điểm hẹn của các văn nghệ sỹ, nghệ nhân hát Sli, lượn vào các dịp lễ, tết. Năm nay, khi đại dịch COVID-19 được khống chế, tại Lạng Sơn dịp cuối năm số ca bệnh giảm sâu, nhiều ngày không có ca nhiễm nào nên các hoạt động Văn hóa, văn nghệ, giao lưu quần chúng nhân dân được nối lại. Vào dịp 2/9 và các ngày lễ, hàng nghìn người từ các huyện trong tỉnh Lạng Sơn tập trung tại khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ tìm kiếm bạn tình, đối đáp Sli giao duyên. Tại đây, tràn ngập sắc áo chàm thổ cẩm truyền thống cùng tiếng nói, tiếng cười vui vẻ, chúc tụng, hỏi han nhau. Nhiều người dân cũng tranh thủ mang những món đồ tự thêu thùa, may vá được đến bày bán. Những chiếc áo chàm, mũ trẻ con đầy màu sắc thu hút đông đảo du khách.

Gần đây, chúng tôi lại được chung vui với “Hội thi múa sư tử dân tộc Tày- Nùng tỉnh Lạng Sơn 2022” được diễn ra tại sảnh chính khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ông Nguyễn Phúc Hà, giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ngành văn hóa chọn nơi đây để tổ chức với niềm tự hào với truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước, dân tộc. Thêm một lần nữa, đồng bào các dân tộc xứ Lạng tự hào với công lao, sự nghiệp của các bậc danh nhân, anh hùng. Các cấp, các ngành, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nỗ lực thi đua, đoàn kết, đồng lòng, chung sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh để góp phần xây dựng Lạng Sơn ngày càng giàu mạnh, phát triển, xứng đáng với mảnh đất đã sản sinh ra người con ưu tú Hoàng Văn Thụ.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, đồng bào các dân tộc xứ Lạng lại nô nức trẩy hội về khuôn viên tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ. Các hoạt động Văn hóa- văn nghệ, giao lưu diễn ra sôi nổi, thể hiện sự đoàn kết, vui vè, chung tay giữ gìn bản sắc dân tộc, xây dựng quê hương Xứ Lạng ngày càng giàu đẹp.

NGUYỄN DUY CHIẾN