Thứ sáu,  05/07/2024

Giữ gìn, phát triển các môn thể thao dân tộc

– Lạng Sơn là tỉnh miền núi với cư dân sinh sống chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, trong nhiều lễ hội xuân, phần thi đấu các môn thể thao dân tộc luôn là nội dung không thể thiếu, tạo nên không khí sôi nổi, vui tươi và trở thành nét đặc sắc trong ngày xuân ở xứ Lạng. Những năm qua, không chỉ được tổ chức ở sân chơi của các lễ hội địa phương, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nâng tầm các môn thể thao dân tộc khi đưa một số môn vào huấn luyện và thi đấu. 

Từ xa xưa, khi đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, xã hội chưa có nhiều phương tiện, thiết bị vui chơi, giải trí, cùng với trò chơi dân gian, các môn thể thao dân tộc được người dân trên địa bàn tỉnh hưởng ứng tham gia với mục đích giải trí, rèn luyện sức khỏe. Phù hợp với điều kiện thực tế, gắn với đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số, các môn thể thao dân tộc không đòi hỏi nhiều về sân bãi, địa điểm chơi có thể ở sân ruộng, bãi cỏ, sân đất… với dụng cụ để chơi chỉ là thanh gỗ, dây rừng… mà người dân có thể tự chế từ nguyên, vật liệu có sẵn. Cái hay trong thể thao dân tộc còn ở yếu tố nhân văn bởi cách chơi, luật chơi thường không đặt nặng tính ganh đua, tranh giành quyết liệt mà chủ yếu mang ý nghĩa giải trí, tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng xã hội.

Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ IX (tháng 9/2022)

Xuất phát từ phong tục, tập quán đã gắn bó từ bao đời nay với đời sống, sinh hoạt, lao động của nhân dân, các môn thể thao truyền thống, như: kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, đi cà kheo… luôn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, thời gian gần đây, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, phong trào thể dục thể thao trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển.

Cụ thể, để bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc trong cộng đồng, kể từ năm 2000, tỉnh ta đẩy mạnh việc phục dựng lễ hội xuân, bên cạnh việc chú trọng tổ chức phần lễ trang trọng, ngành văn hóa đã định hướng, chỉ đạo đưa các môn thể thao dân tộc vào phần hội. Theo đó, các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian là những môn không thể thiếu. Các hoạt động diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Việc lựa chọn các môn thể thao dân tộc để thi đấu thường dựa vào phong tục, tập quán và đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn. Kể từ đó đến nay, ở các lễ hội xuân được tổ chức điểm tại các địa phương đều có nội dung thi đấu 2 – 3 môn thể thao dân tộc. Tại các lễ hội “xuống đồng” ở một số địa phương, người dân cũng chủ động tổ chức chơi các môn thể thao dân tộc.

Tiêu biểu là hội xuân Khuổi Tó, thôn Bắc Ái, xã Đề Thám, huyện Tràng Định diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, người dân trong xã thường xuyên tham gia thi đấu các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ…, đặc biệt ban tổ chức còn kết nối, mời các vận động viên xã bạn, huyện bạn đến cùng tham gia thi đấu với mỗi lễ hội có khoảng 100 vận động viên, tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng.

Ông Lương Mạnh Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Tràng Định cho biết: Những năm qua, cùng với sự chủ động của người dân, tại 4 lễ hội xuân lớn trên địa bàn và một số lễ hội chùa, chúng tôi đều hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, tung còn, đi cà kheo… trong lễ hội. Ngoài ra, từ những thành tích nổi bật mà các vận động viên thi đấu môn bắn nỏ trên địa bàn huyện đã đạt được, trong dịp Xuân Quý Mão 2023 này, chúng tôi định hướng sẽ nhân rộng môn bắn nỏ tại nhiều lễ hội để qua đó phát hiện các nhân tố tiêu biểu, từng bước xây dựng bắn nỏ trở thành môn thể thao thế mạnh của huyện.

Đội thi kéo co của tỉnh Lạng Sơn đoạt giải nhất tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2022

Còn tại xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn, địa phương có truyền thống chơi môn bắn nỏ qua nhiều thế hệ và được người dân trên địa bàn yêu thích. Cứ mùng 4 tháng Giêng hằng năm, lễ hội bắn nỏ lại được tổ chức tại đây. Tại lễ hội, đại diện mỗi thôn sẽ có 4 đến 6 người (cả nam và nữ) để tranh tài.

Anh Nguyễn Hữu Dũng, xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn cho biết: Ngày bé, cùng cha mẹ đi lễ hội xuân của xã, tôi rất thích thú và chỉ chờ xem và cổ vũ phần thi đấu môn bắn nỏ. Xem nhiều rồi say mê, tôi tìm hiểu cách làm nỏ, bắn nỏ và nỗ lực tập luyện để tham gia thi đấu mỗi dịp tết đến. Tôi quan niệm việc “phá kỷ lục” của bản thân trong ngày đầu năm mới hứa hẹn một năm mới dồi dào sức khỏe và may mắn, bởi vậy tôi luôn nỗ lực nâng cao thành tích của mình. Từ các thành tích tiêu biểu khi thi đấu bắn nỏ ở lễ hội xuân, năm 2022, tôi được lựa chọn tham gia thi đấu tại Đại hội thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh, Hội thi Thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc và đều giành được huy chương vàng.

Bên cạnh sự tích cực của các địa phương trong duy trì tổ chức các môn thể thao dân tộc tại các lễ hội xuân, để bảo tồn và thúc đẩy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn, những năm qua, một số huyện, ngành dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương, tại đơn vị mình đã xây dựng được một số môn thể thao dân tộc trở thành môn thế mạnh. Theo đó, huyện Hữu Lũng tiêu biểu với các môn kéo co, đẩy gậy; huyện Bắc Sơn với môn bắn nỏ; huyện Tràng Định với môn chạy việt dã… Đồng thời, các môn thể thao dân tộc cũng được đưa vào điều lệ trong đại hội TDTT các cấp, các hội thi thể thao cấp cơ sở, cấp ngành. Theo đó, tại đại hội TDTT các cấp đều có từ 2 môn thể thao dân tộc trở lên.

Để phát triển và nâng tầm các môn thể thao dân tộc trên địa bàn, năm 2017, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã tổ chức lớp năng khiếu kéo co – đẩy gậy tại huyện Hữu Lũng, luyện tập theo hình thức bán tập trung, gồm có 2 HLV, 15 VĐV. Lớp được trang bị một số trang, thiết bị phục vụ công tác huấn luyện, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn của các VĐV. Từ năm 2017 đến nay, các VĐV đã tham gia thi đấu giải khu vực và toàn quốc, đoạt 23 huy chương các loại.

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, để bảo tồn và phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo, định hướng đưa các môn thể thao dân tộc vào thi đấu tại các lễ hội trên địa bàn, tổ chức giải thi đấu các môn thể thao dân tộc nhằm thúc đẩy sự phát triển phong trào chơi các môn thể thao dân tộc trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, đầu tư cho đội tuyển năng khiếu kéo co – đẩy gậy, qua đó, tiếp tục mang lại thành tích cao cho tỉnh nhà.

Tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc trong các lễ hội xuân mang ý nghĩa giữ gìn, bảo tồn nét đẹp truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, tạo ra sân chơi lành mạnh cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo cơ hội nâng tầm, để các môn thể thao dân tộc trở thành thế mạnh của tỉnh trong các giải thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc.

Năm 2022, tại Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII tổ chức tháng 8/2022 tại tỉnh Lào Cai, đoàn Lạng Sơn tham gia với 38 vận động viên, tranh tài ở 7/8 môn gồm: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, tung còn, việt dã, bắn nỏ. Kết thúc hội thi, đoàn Lạng Sơn đoạt 18 huy chương các loại (6 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 9 huy chương đồng) và xếp vị trí thứ 2/17 đoàn tham dự hội thi – thành tích cao nhất đạt được từ trước đến nay.

HOÀNG NHƯ