Thứ sáu,  20/09/2024
Từ Lạng Sơn hướng về biển đảo quê hương:

Kết nối sức mạnh dòng máu Việt

LSO-“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. (Hồ Chí Minh)
Đảo An Bang, quần đảo Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam – Ảnh: Theo ANTĐ

Trò chuyện với chúng tôi, ông Chu Văn Hoàng ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc tâm sự: “Từ ngày mồng 8/5/2014, khi nghe đài nói về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trên vùng biển của nước ta, là một người dân thị trấn biên giới, từng lên vùng biên để đấu tranh giữ đất, chúng tôi rất căm phẫn trước hành động ngang ngược này. Trong suốt 75 ngày đêm giàn khoan tồn tại trái phép, chúng tôi luôn theo dõi cuộc đấu tranh của chúng ta và sự phản ứng của thế giới về vấn đề  này”.

Là một tỉnh tuyến đầu, việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được người dân Lạng Sơn coi là một nghĩa vụ thiêng liêng và việc làm thường nhật. Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 tại vùng biển nước ta đã chạm vào lòng tự trọng của toàn dân tộc. Như một phản xạ tự nhiên, trong suốt năm 2014, trên vùng đất địa đầu, từ những người dân bình thường đến cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan đoàn thể, học sinh, sinh viên (HSSV)… đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về biển đảo quê hương. Những hội nghị  tuyên truyền, phổ biến về Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới Quốc gia do UBND tỉnh và Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh tổ chức; sự chỉ đạo của Sở Thông tin và Truyền thông trong việc chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường tuyên  truyền giới thiệu vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển Việt Nam đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung tuyên truyền về Luật biển, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) khi được thông qua và Tuyên bố về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông; các chứng cứ, pháp lý của Việt Nam đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; vấn đề đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam… đã định hướng cho mỗi công dân về chủ quyền biển đảo.

Xem triển lãm chuyên đề “Chủ quyền biên giới- biển, đảo quê hương Việt Nam” được tổ chức ngày 13/6/2014 tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và dự cuộc trưng bày những tài liệu, hình ảnh, bản đồ về “Chủ quyền biên giới và biển đảo Việt Nam” tại Thư viện tỉnh, ông Hoàng Văn Chức ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết:  biển đảo của ta, chủ quyền của ta đã được các thế hệ cha ông thực hiện từ ngàn xưa, nó rõ ràng “định phận tại sách trời”, thế mà có kẻ bất chấp đạo lý và các quy định về quan hệ quốc tế để xâm chiếm. Điều đó không thể chấp nhận được”. Ông cũng rất tâm đắc với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế ngày 21/5 tại Manila: “… Chúng tôi luôn mong muốn hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Chủ quyền là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, không có gì đánh đổi được. Đó là sự khẳng định của toàn dân tộc. Thể hiện quyết tâm giữ gìn biển đảo, Tỉnh đoàn đã có những đợt tập huấn cho đoàn cán bộ đoàn, hội về giáo dục tình yêu biển đảo. Hưởng ứng  tuần lễ tuyên truyền về biển đảo, các cấp bộ đoàn, hội trong toàn tỉnh đã tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề về biển đảo; định hướng cho đoàn viên thanh niên cách thức biểu hiện tình yêu biển đảo, ý thức về chủ quyền Tổ quốc theo đúng truyền thống nhân văn của  người Việt Nam; không nghe theo kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc phá hoại tình đoàn kết Việt -Trung, phá hoại sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Từ tình yêu Tổ quốc, cuộc vận động “Tuổi trẻ biên cương Xứ Lạng góp đá xây Trường Sa” đã được tuổi trẻ toàn tỉnh hưởng ứng nhiệt liệt. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn tỉnh đã quyên góp được trên 100 triệu đồng, nhiều phần quà và thư tặng các chiến sĩ tại huyện đảo Trường Sa. Giáo dục truyền thống yêu nước, mà trước hết là giáo dục về tình yêu biển đảo cho HSSV là một phần quan trọng của tuần lễ giáo dục công dân đầu năm học mới 2014-2015. Trong suốt năm học, hàng chục cuộc hội thảo, biểu diễn văn nghệ và các hoạt động chuyên đề thu hút hàng ngàn lượt HSSV tham gia.

Đồng chí Vi Văn Hưng, Bí thư Chi bộ Đoàn – HSSV, Trường Cao đẳng sư phạm Lạng Sơn cho biết: “Giáo dục ý thức biển đảo cho HSSV Trường Cao đẳng sư phạm không chỉ dừng lại ở việc xây dựng tình yêu biển đảo cho mỗi cá nhân, mà còn bồi đắp kiến thức và tình yêu biển đảo cho mỗi giáo viên tương lai để họ làm nhiệm vụ “truyền lửa” cho các thế hệ công dân của chúng ta”. Tại các trường phổ thông, kiến thức, tình yêu biển đảo không chỉ được lồng ghép trong chương trình chính khóa, mà còn được mở rộng trong các hoạt động ngoại khóa. Hàng vạn bài viết dự thi biển đảo quê hương, hàng ngàn lá thư chan chứa tình yêu biển đảo đã được các nhà trường tập trung gửi lên cơ quan quản lý giáo dục.

Đỉnh cao trong các hoạt động hướng về biển đảo là sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Đoàn công tác số 13 thuộc Hải quân vùng 4 thăm và tặng quà cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa ngày 18/5/2014. Tại đây, những hiện vật, tình cảm của người dân vùng biên cương Xứ Lạng đã được các đồng chí lãnh đạo trực tiếp chuyển tới cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thân yêu.

Từ lâu, trong tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng, một dải đất hình chữ S từ Hữu Nghị Quan đến mũi Cà Mau và vùng biển đảo quê hương bao giờ cũng là một tổng thể máu thịt không thể tách rời. Trước tình hình Tổ quốc lâm nguy, mỗi người dân Xứ Lạng biểu hiện tình yêu Tổ quốc theo cách riêng của mình. Tất cả như sự kết nối máu thịt tự nhiên của những con người mang dòng máu Lạc Hồng từ biên cương của Tổ quốc đến hải đảo xa xôi.

TRẦN KIM