Thứ sáu,  20/09/2024

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CÁC ỨNG CỬ VIÊN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV, NHIỆM KỲ 2021 – 2026

Ông Phạm Trọng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tôi xin phép đề ra Chương trình hành động của mình, nếu được cử tri Lạng Sơn tín nhiệm bầu trở thành Đại biểu Quốc hội Khóa XV với những nội dung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rèn luyện, phấn đấu không ngừng, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng đại biểu để thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của một Đảng viên hoạt động chuyên trách tại Quốc hội. Góp phần tích cực để thực hiện thành công ba chức năng cơ bản của Quốc hội, đó là:(i) xây dựng pháp luật, (ii) quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và (iii) giám sát tối cao các hoạt động của cơ quan nhà nước.

– Về xây dựng pháp luật, tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quốc phòng – an ninh; hội nhập quốc tế; bảo đảm quyền con người; phát triển và khai thác tiềm năng của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và quy định về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để phát triển cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, nâng cao đời sống cho Nhân dân nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, chính sách, pháp luật về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều hạn chế, bất cập. Đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng có 5 cái nhất đáng buồn: (i) vùng khó khăn nhất; (ii) chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; (iii) kinh tế – xã hội phát triển chậm nhất; (iv) tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất và (v) tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.Theo thống kê của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, tính đến năm 2020, cả nước có 761.300 hộ nghèo thì số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 446.600 (số liệu làm tròn) chiếm 58.66%. Tại tỉnh Lạng Sơn, năm 2020, số hộ nghèo là 16.115 hộ, hầu hết là hộ nghèo dân tộc thiểu số với tổng số 15.237 hộ, chiếm 94.55%.

Là Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, tôi sẽ tập trung vào việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, sẽ chủ động, tích cực tham gia để có ý kiến góp ý sâu sắc, thiết thực trong việc xây dựng Luật về dân tộc thiểu số cũng như trong thẩm định việc lồng ghép chính sách dân tộc vào các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án phát triển kinh tế – xã hội ở cấp quốc gia. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, phù hợp với địa bàn đặc thù như Lạng Sơn, nơi có trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

– Về quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan hữu quan xem xét thận trọng, có chính sách, biện pháp hợp lý, kiên quyết giữ vững độc lập và chủ quyền quốc gia; tập trung ngân sách để ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo vệ phát triển rừng gắn với bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc; phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy các chương trình xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm sóc người có công ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số.

– Về hoạt động giám sát, tôi sẽ đề nghị Quốc hội tập trung giám sát có hiệu quả vào những vấn đề mà Nhân dân cả nước quan tâm để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm minh, các chủ trương, chính sách hợp lòng dân được đi vào cuộc sống. Theo đó, sẽ tập trung giám sát việc thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là việc thực hiện 2 nghị quyết quan trọng của Quốc hội là Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Bên cạnh đó, tôi sẽ đề nghị Quốc hội quan tâm giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy nhà nước; giám sát công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái; giám sát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát việc thực hiện pháp luật về đất đai nhất là trong bảo vệ quyền của người dân sử dụng đất.

Nội dung thứ hai trong Chương trình hành động của tôi là sẽ dành nhiều thời gian khảo sát thực tiễn, nghiên cứu thực tiễn để thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách đã và đang được thực hiện trên địa bàn. Từ đó, tham mưu, đề xuất, kiến nghị các cấp chính quyền của tỉnh và Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới cho phù hợp với đặc thù của địa phương. Với trách nhiệm là cán bộ công tác ở Trung ương gần 20 năm, trong đó có 9 năm làm Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội và trong cương vị hiện nay là cơ quan trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, với kinh nghiệm và quan hệ công tác có được, tôi sẽ là cầu nối, góp sức cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội và các đồng chí Lãnh đạo tỉnh làm việc, tạo sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ của các cơ quan Trung ương cho Lạng Sơn để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh để thực hiện thành công các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Theo đó, Chương trình hành động của tôi ưu tiên tập trung vào việc xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách để thực hiện 5 nội dung như sau:

 1. Xây dựng, nâng cấp hệ thống đường tuần tra biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu kết hợp thương mại- du lịch – dịch vụ.

 2. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tạo đầu ra ổn định, giá trị cao cho các nông – lâm sản nổi tiếng của tỉnh như: na Chi Lăng, quýt vàng Bắc Sơn, hồng Vành khuyên Văn Lãng, hoa hồi Văn Quan, thạch đen Tràng Định, bún ngô Đình Lập.

 3. Phát triển công nghiệp xanh, an toàn, hiện đại, nhất là cụm công nghiệp tại huyện Hữu Lũng và Chi Lăng;

 4. Bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống lịch sử – văn hóa, nhất là tại huyện Bắc Sơn, Bình Gia và Văn Quan.

 5. Huy động nguồn lực để bảo đảm chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm học sinh phải được đến trường, người ốm phải được chăm sóc y tế.

Nội dung thứ ba trong Chương trình hành động của tôi là sẽ gắn bó mật thiết với Nhân dân và Cử tri, thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, không ngừng đổi mới phương pháp, kỹ năng tiếp xúc cử tri, đặc biệt là với cử tri vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Nhanh chóng, chính xác phản ánh ý kiến, nguyện vọng và yêu cầu của Nhân dân và cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tôi sẽ theo sát, đôn đốc sát sao, theo đuổi đến cùng, giám sát việc giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho Nhân dân, cho cử tri, vì lợi ích chung.