Thứ sáu,  20/09/2024

Nỗ lực phát triển Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân

Bài 1: Những “nút thắt” cần gỡ bỏ

(LSO) – Phát triển Đảng trong các đơn vị kinh tế ngoài khu vực kinh tế nhà nước (gọi tắt là đơn vị kinh tế tư nhân – KTTN) là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các thành phần kinh tế. Bên cạnh những kết quả tích cực, trên địa bàn tỉnh đang nảy sinh không ít khó khăn, đặt ra “bài toán khó” cho cấp ủy, chính quyền địa phương.

   Thực trạng

Tính đến 1/10/2018, toàn tỉnh có 34.738 đơn vị KTTN đang hoạt động với hơn 105 nghìn lao động. Các đơn vị KTTN đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, đóng góp của mình trong phát triển kinh tế của tỉnh. Năm 2017, các đơn vị KTTN trên địa bàn nộp ngân sách nhà nước hơn 600 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp trong GRDP là 62,15%.

Trong những năm qua, mặc dù, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án chỉ đạo các huyện ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo xây dựng Đảng và các tổ chức chính trị – xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nước trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, kết quả chưa đạt như mong đợi. Hiện nay, thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc là địa bàn có nhiều đơn vị KTTN nhưng công tác phát triển Đảng trong các đơn vị này còn những vướng mắc, bất cập.

Thành phố Lạng Sơn tập trung hơn 12.000 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thành phố chỉ có 19 chi, đảng bộ KTTN trực thuộc với hơn 230 đảng viên.

Cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH Bảo Long trong giờ làm việc

Cùng với thành phố, huyện Cao Lộc có trên 270 đơn vị KTTN đang hoạt động nhưng cũng chỉ có 10 chi, đảng bộ KTTN trực thuộc với 133 đảng viên. Dự kiến hết năm 2019, huyện Cao Lộc phát triển thêm 1 tổ chức cơ sở Đảng doanh nghiệp ngoài Nhà nước.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cao Lộc cho biết: Qua khảo sát, 95% đơn vị KTTN trên địa bàn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với số lượng lao động ít, hoạt động không ổn định. Vì thế, dù số lượng các đơn vị KTTN lớn nhưng đa phần không đủ điều kiện để thành lập tổ chức Đảng.

Thực tế trên cho thấy: quy mô doanh nghiệp nhỏ, hoạt động không ổn định, lao động thường xuyên biến động, số lượng đảng viên ít chính là nguyên nhân, “nút thắt” trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở Đảng và bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong các đơn vị KTTN.

Theo khảo sát của Ban tổ chức Tỉnh ủy, tính đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 60 đơn vị KTTN có đảng viên nhưng chưa có tổ chức cơ sở Đảng, trong đó chỉ có 9 đơn vị có trên 3 đảng viên, đủ điều kiện thành lập tổ chức cơ sở Đảng.

   Những vướng mắc cần giải quyết

Số liệu nêu trên cho thấy: tỷ lệ tổ chức đảng trên tổng số đơn vị cũng như số đảng viên trên tổng số lao động trong khu vực KTTN còn rất thấp. Theo Điều lệ Đảng, việc tổ chức xét, kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng được thực hiện từ cấp chi bộ. Với những đơn vị KTTN có tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên thì việc bồi dưỡng quần chúng, giới thiệu xét, kết nạp Đảng được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục của Điều lệ Đảng. Vấn đề khó, vướng đặt ra ở các đơn vị KTTN là chưa có hoặc chưa đủ những điều kiện nêu trên. Lâu nay, nói đến phát triển đảng viên, nhiều cấp ủy thường nhận định khó nhất là do thiếu nguồn. Tuy nhiên, với đối tượng là công nhân, người lao động, công tác này còn gặp những trở ngại khác.

Ông Nguyễn Bá Khoa, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Qua quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, chủ doanh nghiệp chưa tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức Đảng và các đoàn thể do họ muốn dành thời gian cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên nhiều doanh nghiệp thiếu quan tâm tới việc thành lập những tổ chức có vai trò tập hợp, thu hút công nhân.

Về phía người lao động, bên cạnh một bộ phận người lao động có nguyện vọng, tự nguyện phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, khá nhiều lao động không thiết tha. Nguyên nhân cũng bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” khiến họ không còn tâm trí, thời gian để nghĩ đến chuyện phấn đấu vào Đảng. Cũng không ít người lao động nhận thức chưa đúng, đủ về Đảng. Họ cho rằng vào Đảng phải học tập, hội họp nhiều, rồi đóng đảng phí trong khi bản thân chưa xác định rõ mục đích vào đảng là để phấn đấu, được tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt.

Chị P.T.T, công nhân làm việc tại Hợp tác xã Tiến Đạt (huyện Lộc Bình) bày tỏ: “Tôi là người lao động làm công ăn lương, thời gian nghỉ ngơi còn chưa đủ lại phải lo gánh nặng gia đình, con cái nên chưa nghĩ đến việc phấn đấu vào Đảng”.

Có lẽ cũng chính vì lý do trên mà chất lượng, nội dung sinh hoạt ở một số chi bộ đảng  khu vực KTTN trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều đổi mới, nội dung và phương thức hoạt động còn lúng túng, chưa phát huy được vai trò, vị trí theo Quy định số 170-QĐ/TW ngày 7/3/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân.

Ông Triệu Văn Quân, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận định: Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, các tổ chức chính trị – xã hội ở các đơn vị KTTN. Công tác khảo sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị KTTN trên địa bàn của một số đoàn thể cấp trên cơ sở chưa tốt, thiếu sự phối hợp với cơ quan chức năng liên quan. Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp và người lao động chưa nhận thức được đầy đủ về Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng đơn vị KTTN chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển Đảng; chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp cụ thể thiết thực để phát triển tổ chức Đảng, bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng.

Phát triển đảng  viên ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp ủy cần quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, các đoàn thể, người lao động về sự cần thiết phải củng cố, xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể. Thường xuyên rà soát nắm chắc thực trạng của doanh nghiệp, số lượng công nhân để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, kết hợp với quan tâm vận động thành lập các tổ chức, đoàn thể. Một vấn đề nữa là mỗi cấp ủy, chi bộ cần thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích thiết thực của việc thành lập tổ chức Đảng, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình hoạt động và có “sức hút” đối với công nhân và sự lan tỏa với những doanh nghiệp khác.

Kỳ sau: Gỡ “nút thắt”, khẳng định vai trò của Đảng

NHÓM PV VHXH