Thứ sáu,  20/09/2024

Xử lý dứt điểm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp: Cách làm ở thành phố Lạng Sơn

(LSO) – Tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra trên địa bàn thành phố Lạng Sơn thời điểm trước năm 2014 diễn ra phức tạp. Để xử lý triệt để tình trạng này, thành phố Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp giải quyết hiệu quả, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên – Môi trường thành phố, trước và sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, toàn thành phố có 333 trường hợp vi phạm tự ý làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp (gồm trường hợp người dân có đất nông nghiệp và các trường hợp không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp sau đó tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp).

Người dân ngày càng quan tâm đến công tác quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vi phạm nêu trên là phần lớn người dân chưa hiểu biết quy định của pháp luật về đất đai nên khi có nhu cầu xây dựng nhà ở đã tự tiện xây dựng dẫn đến vi phạm quy định của Luật Đất đai. Ngoài ra, trong thời gian dài, công tác quản lý đất đai tại cấp xã, phường chưa chặt chẽ, thiếu sự quan tâm đúng mức, buông lỏng kiểm tra, giám sát dẫn tới không phát hiện kịp thời việc người dân sử dụng đất sai mục đích, khi phát hiện thì việc khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn. Hoặc có một bộ phận người dân lợi dụng việc buông lỏng quản lý của chính quyền cố tình nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, sau đó xây dựng nhà ở mà không thực hiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích, chỉnh lý biến động theo quy định dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên cũng như tháo gỡ vướng mắc để người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, thành phố đã chỉ đạo và giao Phòng Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các phường, xã thực hiện rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm. Thứ nhất là người dân có đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp; thứ hai là các trường hợp không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, sau đó tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Gắn với đó, UBND thành phố chỉ đạo các phường, xã chấn chỉnh, tăng cường quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn quản lý.

Sau khi có số liệu cụ thể, căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng từng phường, xã, thành phố đưa ra phương án xử lý như sau: những trường hợp hộ gia đình cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nay phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở thì cho phép hộ gia đình cá nhân được thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở.

Đối với các trường hợp hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã tự ý nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng đã xây nhà trái phép trước ngày 1/7/2014 (thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực) nay phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là đất ở thì cho phép thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Với cách làm nêu trên, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, thành phố đã xử lý được 333 trường hợp tự ý làm nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp với diện tích cho phép chuyển đổi sang đất ở là hơn 6,4 ha. Một số phường, xã có số trường hợp được giải quyết lớn như: phường Tam Thanh 81 trường hợp với diện tích đất chuyển đổi sang đất ở hơn 1,3 ha; phường Chi Lăng 76 trường hợp với diện tích 1,1 ha; phường Đông Kinh 37 trường hợp, diện tích hơn 0,44 ha…

Từ công tác quản lý được thắt chặt, các trường hợp vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi tại thành phố từ  ngày 1/7/2014 đến nay đã giảm mạnh. Bà Lê Thị Nhiên, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường thành phố cho biết: Các trường hợp làm nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi xảy ra sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực là không đáng kể, bởi ngay khi các hộ này thực hiện bước san lấp đất đai đã được các phường, xã phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành chính. Nếu diện tích người dân đã san lấp mà phù hợp quy hoạch sử dụng đất là đất ở thì yêu cầu thực hiện thủ tục chuyển đổi, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với nhà nước sau đó mới chấp thuận cấp phép xây dựng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Lệnh Trưởng, Chủ tịch UBND phường Chi Lăng cho biết: Trong quá trình phối hợp giải quyết cho phép các trường hợp tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở ngoài biện pháp rà soát kỹ, chi tiết từng trường hợp, phường còn coi trọng việc tuyên truyền pháp luật về đất đai để người dân biết quyền và nghĩa vụ, các thủ tục pháp lý cần thiết trong quá trình sử dụng đất cũng như xin chuyển mục đích sử dụng đất. a

Nhờ đó, tình trạng vi phạm về tự ý xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp tại phường đã giảm rất lớn trong 3 năm trở lại đây. Vì tất cả các trường hợp xây dựng nhà ở trên địa bàn phường đều xin giấy phép xây dựng và là đất ở phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, phường cũng tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát của đội trật tự xây dựng trong việc phát hiện sớm những vi phạm để xử lý kịp thời, hiệu quả.

TRANG NINH