Thứ sáu,  20/09/2024

Điều chỉnh chỉ tiêu của một số lĩnh vực về văn hóa sát với thực tế và tăng cường nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện xã hội

(LSO) – Tôi nhất trí với nội dung dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tôi đóng góp một số ý kiến về lĩnh vực văn hóa và nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện xã hội để dự thảo đánh giá rõ hơn, từ đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ đối với các lĩnh vực này trong nhiệm kỳ tới sát thực hơn.

Dự thảo đã đánh giá, phân tích bối cảnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI và tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế… là phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Để đạt được kết quả này, lãnh đạo tỉnh đã chọn các khâu đột phá và quyết tâm chính trị cao tạo sự đồng thuận trong toàn dân. Tiêu biểu như các khâu đột phá về cửa khẩu, hạ tầng, nông lâm nghiệp công nghệ cao, thủ tục hành chính…, trong đó nổi trội là đột phá về du lịch.

Có thể thấy, di sản văn hóa Xứ Lạng là nguồn tài nguyên rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là những di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể như các lễ hội: Kỳ Cùng – Tả Phủ (thành phố Lạng Sơn), chùa Tân Thanh (Văn Lãng), Ná Nhèm (Bắc Sơn)… đã và đang thu hút một lượng lớn khách du lịch. Đáng chú ý, Lạng Sơn đã có 9 di sản được đưa vào danh mục DSVH phi vật thể cấp quốc gia. Tiêu biểu, cuối năm 2019, Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có DSVH “Thực hành Then” của đồng bào dân tộc Tày – Nùng – Thái được UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể đại diện nhân loại. Đó là niềm vui, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc tỉnh Lạng Sơn, đồng thời thể hiện sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các DSVH, góp phần “Biến di sản thành tài sản” thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhờ đó, trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm, Lạng Sơn đón khoảng trên 2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn này là 5,3%. Tính riêng năm 2019, tỉnh đã đón trên 2,9 triệu lượt khách (tăng 5,13% so với năm 2018), doanh thu xã hội ước đạt 1.226 tỷ đồng (tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2018).

Tiến sỹ Hoàng Văn Páo

Nhiệm kỳ qua, mặc dù các nhiệm vụ và chỉ tiêu hoàn thành, hoàn thành vượt mức, song chưa bền vững. Theo đó, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực du lịch còn thấp so với thực tế, do vậy, cần điều chỉnh lại chỉ tiêu này sát với thực tế hơn. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới nâng cao cần đánh giá sát thực một số tiêu chí như: nhà văn hóa, sân chơi bãi tập… Lĩnh vực phát triển văn hóa cần nêu rõ hơn các số liệu về công tác bảo tồn DSVH. Trong báo cáo chỉ nêu 800 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng và Hội Bảo tồn dân ca với gần 500 hội viên… là chưa phản ánh đầy đủ. Bởi vì, Hội Bảo tồn dân ca chỉ hoạt động trong phạm vi nhỏ. Do đó, nếu nêu số liệu thì nêu đầy đủ, đánh giá khái quát chung, chứ không chỉ nêu Hội Bảo tồn dân ca.

Về công tác giám sát, phản biện xã hội nằm ở mục hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội cần nêu rõ hơn nữa. Trong nhiệm kỳ chỉ có Ủy ban MTTQ tỉnh và MTTQ thành phố Lạng Sơn có tổ chức hoạt động phản biện xã hội được một số đề án, dự án… do UBND tỉnh và UBND thành phố giao. Các dự án, đề án, các chủ trương được giao là rất ít so với nhiệm vụ của toàn tỉnh. Nhiều sở, ban, ngành chưa nhận thức tốt hoặc còn e ngại về công tác tư vấn, giám định, phản biện xã hội. Vì vậy, nhiều dự án khi triển khai chưa tạo được sự đồng thuận cao của Nhân dân và đó cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa để dân khiếu kiện kéo dài. Trong nhiệm kỳ cần tăng cường hơn nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện xã hội. Đây là việc hết sức cần thiết để đảm bảo công tác điều hành quản lý kinh tế, xã hội có hiệu quả nhất, tranh thủ sự đồng thuận cao của toàn dân.

HOÀNG VĂN PÁO (Chủ tịch Hội Di sản tỉnh; Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh)