Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình tích cực nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng

– Thời gian qua, Huyện uỷ Lộc Bình là một trong những đơn vị được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao vì có nhiều nỗ lực trong công tác biên soạn lịch sử Đảng. Dựa trên nhu cầu thực tế và sự chủ động của địa phương, nhiều cuốn lịch sử đảng bộ xã, ngành trên địa bàn huyện đã được hoàn thành. Qua đó, làm rõ các chặng đường lịch sử, tổng kết thực tiễn, có thêm nguồn tư liệu quý để giáo dục truyền thống.

Xác định công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương có vai trò quan trọng, từ năm 2017, huyện Lộc Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) lịch sử Đảng. BCĐ được kiện toàn từng năm để triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương đến các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Cán bộ xã Tú Đoạn nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn

Bà Nguyễn Thúy Khanh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, thành viên BCĐ lịch sử Đảng cho biết: Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc, các ban, ngành, đoàn thể huyện đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử trên địa bàn, đồng thời, đôn đốc, hỗ trợ về nghiệp vụ, thẩm định nội dung lịch sử…

 Năm 2017, cuốn lịch sử đảng bộ xã Lợi Bác giai đoạn 1930 – 2015 được xuất bản. Trong quá trình nghiên cứu, biên soạn, BCĐ lịch sử Đảng của huyện và cán bộ chủ chốt cơ sở đã tích cực tìm kiếm, khai thác tư liệu, gặp gỡ các nhân vật, thẩm tra, xác minh thông tin đảm bảo đúng với diễn biến của lịch sử, tạo sự thống nhất về thời gian và sự kiện diễn ra. Nhờ đó, cuốn sách đã tái hiện chân thực tiến trình lịch sử địa phương, có giá trị giáo dục truyền thống cao…

Với cách làm tương tự, năm 2020, cuốn lịch sử Đảng bộ xã Sàn Viên được xuất bản. Ông Chu Mạnh Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Sàn Viên cho biết: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác biên soạn lịch sử Đảng, chúng tôi triển khai nghiêm túc chỉ đạo cấp trên, tích cực làm tốt công tác tuyên truyền nên trong quá trình thu thập tư liệu đã thu hút đông đảo cán bộ lão thành cách mạng cung cấp thông tin có giá trị. Quá trình biên soạn, xã đã tổ chức 2 cuộc hội thảo để đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Trong năm 2020, huyện Lộc Bình đã biên soạn được 7 cuốn biên niên sử đối với 7 xã cũ (lúc chưa sáp nhập) bao gồm: Bằng Khánh, Xuân Mãn, Xuân Lễ, Xuân Tình, Nhượng Bạn, Minh Phát, Quan Bản. Công tác này nhằm lưu giữ tư liệu, phục vụ cho công tác biên soạn lịch sử đảng đối với các xã mới sau này. Theo đó, Lộc Bình là đơn vị duy nhất của tỉnh thực hiện biên soạn biên niên sử.

Ngoài tích cực sưu tầm, BCĐ lịch sử Đảng của huyện đã chủ động mời các cơ quan chuyên môn như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các đơn vị tư vấn tham gia góp ý vào bản thảo lịch sử đảng bộ trước khi xuất bản. Đồng thời, tổ chức hội nghị để xin ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ chủ chốt, đảng viên lão thành trong đảng bộ. Qua đó, giúp cuốn lịch sử ở địa phương khi xuất bản đảm bảo chất lượng, hạn chế sai sót, nhầm lẫn trong quá trình biên soạn, xuất bản.

Cho đến nay, huyện Lộc Bình đã hoàn thiện 21/21 cuốn lịch sử, biên niên sử của đảng bộ xã; lịch sử 2 ngành: quân sự và công an; đang chờ cấp trên thẩm định cuốn lịch sử đảng bộ huyện (gộp 3 cuốn); thẩm định xong cuốn kỷ yếu ngành giáo dục.

Cô Hoàng Thị Nguyên, giáo viên Trường Mầm non Tú Đoạn I, xã Tú Đoạn chia sẻ: Trong quá trình công tác, tôi đã tìm đọc cuốn lịch sử đảng bộ xã. Tôi thấy cuốn sách ghi chép đầy đủ tiến trình lịch sử địa phương, giúp thế hệ trẻ có thêm hiểu biết về lịch sử. Đây là nguồn tư liệu quý để tôi viết các bài dự thi có phần liên hệ thực tiễn.

Thời gian tới, huyện Lộc Bình tiếp tục nghiên cứu, xem xét biên soạn lịch sử hoặc kỷ yếu đối với các ngành nhằm làm phong phú thêm nguồn tư liệu, để từ đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cổ vũ, động viên thế hệ trẻ phát huy truyền thống cách mạng của địa phương

THANH MAI