Thứ sáu,  05/07/2024

Khai thác tiềm năng, xây dựng sản phẩm du lịch Xứ Lạng

(LSO) – Sản phẩm du lịch (SPDL) là tổng thể các dịch vụ, hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách. Những năm qua, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã và đang từng bước khai thác tiềm năng để xây dựng các SPDL mang tính bền vững, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ tài nguyên môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi phía Đông Bắc của Tổ quốc, được thiên nhiên ban tặng trên 50 danh lam thắng cảnh và hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều di tích, danh thắng đã đi vào lịch sử dân tộc, thi ca và lòng người. Thêm vào đó là những nét văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng của 7 dân tộc anh em, trong đó có nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể (340 lễ hội truyền thống, nghệ thuật then của dân tộc Tày, Nùng…).

Từ tiềm năng đó, những năm qua, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã chú trọng đầu tư phát triển các SPDL. Từ năm 2011 đến nay, nhiều di tích lịch sử và các công trình văn hóa được tu bổ, tôn tạo trở thành những điểm tham quan như: xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các điểm văn hóa tâm linh (đền Kỳ Cùng, chùa Tân Thanh, đền Mẫu…); lựa chọn phục dựng và bảo tồn một số lễ hội truyền thống và những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc trở thành các điểm tham quan du lịch mang đặc trưng riêng của tỉnh (lễ hội Trò Ngô, lễ hội đình Cao Sơn; lễ hội đền Bắc Lệ (Hữu Lũng); lễ hội Ná Nhèm (Bắc Sơn); lễ hội Háng Ví, lễ hội đình Làng Mỏ (Chi Lăng)…).

Khách tham quan các gian hàng tại Lễ hội ẩm thực Xứ Lạng

Cùng với xây dựng SPDL, việc mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận đã góp phần quảng bá, thúc đẩy phát triển SPDL địa phương. Tiêu biểu như: chương trình du lịch qua những miền di sản Việt Bắc; hợp tác song phương giữa Lạng Sơn và các địa phương của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); hợp tác các tỉnh dọc hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh… Từ năm 2011 đến nay, Lạng Sơn đã tham gia xúc tiến quảng bá du lịch hơn 70 cuộc tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bình quân mỗi cuộc giới thiệu và phát hành khoảng 1.300 ấn phẩm du lịch các loại đến tay du khách.

Gần đây nhất, cuối tháng 10/2018, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã tổ chức chương trình khảo sát và hội thảo xây dựng SPDL Lạng Sơn với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trung tâm xúc tiến du lịch các tỉnh, Khoa Du lịch học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… Qua hội thảo, ngành VHTTDL tỉnh đã tiếp thu được nhiều ý kiến hữu ích để nghiên cứu, khai thác và phát triển SPDL đặc thù của tỉnh.

Với sự nỗ lực của ngành VHTTDL, các SPDL Xứ Lạng ngày càng phát triển cả về hình thức lẫn quy mô, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đến nay, Lạng Sơn đã và đang hình thành các SPDL như: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch mua sắm, tham quan cửa khẩu, quá cảnh. Năm 2018, lượng khách đến với tỉnh đạt 2,8 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017. Doanh thu du lịch đạt 980 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa – Truyền thông huyện Hữu Lũng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy Hữu Lũng đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, trong đó chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện để xây dựng, phát triển các loại hình SPDL đặc thù, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Với định hướng đúng đắn đó, du lịch đã mang lại hiệu quả thực tế, góp phần tăng thu nhập của cộng đồng dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng, phát triển SPDL còn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế. Thực tế cho thấy, các SPDL của Lạng Sơn vẫn còn đơn điệu và thiếu sự gắn kết giữa các tour, tuyến, điểm du lịch. Những tour du lịch độc đáo hấp dẫn du khách còn hạn chế, du lịch còn mang tính mùa vụ. Các làng nghề với những sản phẩm phong phú và đa dạng chưa được hình thành. Dịch vụ vui chơi giải trí vẫn còn thiếu; các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, ảnh hưởng đến việc liên kết, hợp tác phát triển. Vì thế, phần lớn du khách chỉ ghé qua Lạng Sơn rồi đến các điểm du lịch khác, không lưu trú hoặc lưu trú chỉ qua 1 đêm.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, Sở VHTTDL tiếp tục tham mưu cho Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch; huy động mọi nguồn lực xã hội để khắc phục khó khăn về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, lao động, thị trường, sản phẩm… Đồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển nguồn nhân lực du lịch; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển SPDL đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, góp phần đưa Lạng Sơn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định: “Tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng và chất lượng cao trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi trội.”
MINH NGỌC – TUYẾT MAI