Thứ sáu,  20/09/2024

Khởi nghiệp từ bài thuốc dân gian

(LSO) – Bài thuốc chanh rừng mật ong có tác dụng rất tốt khi bị ho, viêm họng, làm tăng sức đề kháng song không phải ai cũng chế biến thành công. Từ thực tế đó, nhóm giáo viên Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã chế biến chanh rừng mật ong thành sản phẩm hàng hóa giúp người tiêu dùng có thể sử dụng bất cứ lúc nào, đồng thời nâng cao thu nhập cho bản thân.

Chanh rừng mật ong là bài thuốc dân gian được người dân trên địa bàn tỉnh biết đến từ lâu, tuy nhiên, các địa phương khác lại chưa có. Trong khi xu hướng hiện nay, người tiêu dùng thường tìm đến các sản phẩm chữa bệnh, nâng cao sức khỏe từ thiên nhiên thay cho thuốc tây nhiều tác dụng phụ. Chính vì vậy, nhóm giáo viên: Hoàng Thị Tâm, Vũ Thị Viên, Trường THPT Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã có ý tưởng sản xuất mật ong chanh rừng thành sản phẩm hàng hóa. Tuy mới được triển khai từ năm 2018, sản phẩm này đã được người tiêu dùng trên địa bàn huyện cũng như một số tỉnh lân cận biết đến.

Chị Hoàng Thị Tâm kiểm tra chất lượng mật ong để chế biến sản phẩm chanh rừng mật ong

Chị Vũ Thị Viên cho biết: Tôi đã nhiều lần làm chanh rừng mật ong ở nhà và không phải lần nào cũng thành công. Sau nhiều lần thất bại thấy rằng tuy chỉ có 2 nguyên liệu là quả chanh rừng và mật ong nhưng nếu không chế biến đúng cách thì tỷ lệ thành công là không cao.

Khi ngâm chanh rừng với mật ong, người ngâm phải chọn kỹ, đảm bảo quả chanh không dập nát, trầy xước, không chín quá hoặc non quá. Đặc biệt, chanh mang về phải được chế biến trong ngày nhằm đảm bảo các loại vi khuẩn, nấm mốc chưa thâm nhập vào bên trong. Sau khi lựa chọn quả chanh phải được rửa sạch, ngâm nước muối để khử trùng. Cùng với đó, dụng cụ đựng sản phẩm cũng được tiệt trùng. Sau khi ngâm cần có thời gian từ 3 đến 6 tháng để tinh chất từ quả chanh rừng tiết ra tạo thành hỗn hợp có tác dụng điều trị bệnh. Nếu không làm tốt các bước sơ chế thì thành phẩm dễ bị nổi váng, thối, hỏng. Chính vì vậy, tuy tác dụng rất tốt song nhiều bà nội trợ lại không mặn mà với bài thuốc dân gian này.

Hướng đến sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng, nhóm thực hiện trực tiếp khảo sát tại vùng núi Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình hợp đồng thu mua sản phẩm với người dân tại đây. Theo đó, ngay sau khi thu hái, chanh rừng được đưa về huyện Chi Lăng để chế biến. Cùng với đó, mật ong được nhập từ Hợp tác xã Nuôi ong lấy mật xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng. Mật ong của hợp tác xã là sản phẩm được công nhận an toàn, chất lượng và có uy tín trên thị trường. Chanh rừng và mật ong được ngâm, đựng trong chum sành, sứ, lọ thủy tinh nên đảm bảo an toàn cho người dùng và kéo dài thời gian bảo quản một cách tự nhiên.

Những sản phẩm chanh rừng mật ong đầu tiên được ngâm thành công nhóm cho giáo viên trong trường và các gia đình có trẻ nhỏ dùng thử. Đây là những đối tượng dễ mắc bệnh viêm họng, ho, tiêu hóa kém. Sau khi sử dụng, khách hàng đều có phản hồi tốt. Từ đó, nhóm bắt tay vào sản xuất sản phẩm thành hàng hóa. Tại Ngày hội Na Chi Lăng và tuần lễ quảng bá sản phẩm na Chi Lăng tại Hà Nội năm 2018, 2019, sản phẩm chanh rừng mật ong được rất nhiều khách hàng quan tâm và lựa chọn.

Chị Hoàng Thị Tâm cho biết: Sản phẩm chanh rừng mật ong hiện đang được bán tại một số của hàng trên địa bàn huyện Chi Lăng và bán trực tuyến thông qua trang Facebook cá nhân của các thành viên trong nhóm. Mùa chanh rừng kéo dài trong dịp hè, việc sản xuất hàng hóa cần nhiều nhân lực nên nhóm đã tạo việc làm thời vụ cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.

Mỗi lọ thủy tinh chanh rừng mật ong dung tích 500 ml có giá khoảng 140.000 đồng. Trung bình mỗi vụ, nhóm chế biến khoảng 200 kg chanh rừng, sản phẩm được bán quanh năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Hiện nhóm thực hiện đang tiến hành các thủ tục về sở hữu trí tuệ và tiến hành quảng bá sản phẩm tại các tỉnh bạn và Hà Nội thông qua hội chợ triển lãm.

Khởi nghiệp từ những tiềm năng của tỉnh đang là phong trào lớn được UBND tỉnh triển khai. Sản phẩm chanh rừng mật ong hứa hẹn sẽ tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng về một sản phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thiên nhiên.

HOÀNG VƯƠNG