Thứ năm,  19/09/2024
Bảo hộ nhãn hiệu tập thể:

Nâng tầm cho nông sản và quả tươi Hữu Lũng

(LSO)-Ngày 23/11/2019, huyện Hữu Lũng sẽ tổ chức đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Măng Bát độ Hữu Lũng”, “Nem nướng Hữu Lũng” và “Quả tươi Hữu Lũng”. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của huyện.


Người dân xã Cai Kinh gắn tem truy suất nguồn gốc cho quả na

Tại huyện Hữu Lũng, tre Bát độ được trồng chủ yếu ở các xã: Quyết Thắng, Yên Bình, Hòa Bình, Minh Tiến, Minh Hòa, Hòa Thắng, Minh Sơn với diện tích khoảng 200 ha. Ngoài sản phẩm măng tre Bát độ, trên địa bàn huyện còn có một số loại nông sản và hoa quả có giá trị kinh tế cao như: na, xoài, táo đại, nho, thanh long, chuối, mít, cam, quýt, chanh, bưởi… với tổng diện tích gần 4,5 nghìn héc ta (tổng diện tích cây lâu năm toàn huyện có hơn 4,6 nghìn héc ta).

Ông Lương Xuân Bính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hữu Lũng cho biết: Diện tích lớn nhưng nông sản và hoa quả tươi của Hữu Lũng vẫn chưa có thương hiệu và chưa được bảo hộ. Đặc biệt, khi chưa có thương hiệu thì việc xuất khẩu các loại nông sản và hoa quả tươi gặp nhiều khó khăn, thường bị ép giá.

Xác định rõ nguyên nhân và để nâng giá trị các loại nông sản và hoa quả tươi của địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hữu Lũng đã ban hành Nghị quyết số 36 ngày 7/5/2018 về việc đẩy mạnh chỉ đạo triển khai các mô hình sản xuất mới, sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 – 2020. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng, xác định vùng trồng một số loại nông sản và hoa quả tươi của huyện để triển khai làm hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Ông Bùi Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, huyện đã triển khai đồng loạt các quy trình hỗ trợ, tạo lập nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản và quả tươi của huyện. Theo đó, để hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản và quả tươi được trồng trên địa bàn, UBND huyện đã chủ động vận dụng, áp dụng các chính sách hỗ trợ sản xuất, như: ứng dụng khoa học công nghệ; hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ phát triển sản xuất; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng, khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các nông phẩm của huyện…

Với cách làm đó, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm nem nướng, măng Bát độ và các loại quả tươi đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể gắn với địa danh “Hữu Lũng”. Việc được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm nông sản và các loại quả tươi sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản hàng hóa của huyện phát triển theo hướng bền vững và có điều kiện tham gia vào chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ở cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.

Để tiếp tục khẳng định thương hiệu và nâng tầm các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, thời gian tới, huyện Hữu Lũng sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản bằng việc chủ động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Có thể thấy rằng, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản gắn với nguồn gốc địa lý tại thời điểm này là hướng đi đúng đắn, qua đó sẽ phát huy được lợi thế đa dạng về điều kiện tự nhiên của huyện, đồng thời hướng tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và có giá trị gia tăng cao theo nhu cầu của thị trường, gắn với quy hoạch vùng sản xuất.

TRÍ DŨNG