Tại Hội nghị, Văn phòng Bộ đã thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành trong quý III-2023; báo cáo về một số hoạt động nổi bật của Bộ trong quý III-2023 và nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong quý IV-2023; báo cáo tình hình xử lý kiến nghị của các đối tượng quản lý gửi đến Bộ.

Nhà mạng phải nhận lấy trách nhiệm bảo vệ an toàn, an ninh mạng cho khách hàng
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. 

Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm Không gian mạng Viettel đã có bài tham luận về xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt và ứng dụng Trợ lý ảo cho công chức Việt Nam. Trợ lý ảo là công cụ phần mềm hỗ trợ cho cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, tra cứu thông tin nhanh chóng từ văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý, từ đó tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp kiểm tra năng lực của Trợ lý ảo do Viettel xây dựng bằng việc mời các đại biểu tham dự hội nghị đặt câu hỏi liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình. Bộ trưởng cũng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị các bộ, ban ngành, địa phương cử khoảng 3 nghìn người tham gia xây dựng triển khai hệ thống này. Những người tham gia sẽ thường xuyên hỏi trợ lý ảo những vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật Việt Nam, liên quan đến công việc của mình. Trợ lý ảo càng có nhiều người dùng thì càng trở nên thông minh hơn.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thế giới đang thay đổi. Trước đây, mỗi lần ra quyết định nào đó, còn phải đắn đo xem có nguồn lực không. Tuy nhiên, khi thay đổi theo góc nhìn mới, lại xuất hiện nguồn lực. Nguồn lực không hạn chế quyết định mà quyết định sinh ra nguồn lực mới. Các lãnh đạo nên lưu ý về điều này khi phát triển tổ chức của mình.

Một lưu ý thứ hai là muốn phát triển bền vững phải luôn nghĩ đến hai vế, thậm chí ba vế như: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp lớn thường đi tiên phong, thí điểm công nghệ mới nhưng lại không phổ cập được, dẫn đến lụi tàn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp lớn thì nghiên cứu tốt, thử nghiệm tốt nhưng phổ cập để kiếm tiền lại thất bại. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết về tầm quan trọng của dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số vì chuyển đổi số là phải phát triển nền tảng số. Theo Bộ trưởng, người nắm nền tảng số chính là người duy nhất nắm giữ dữ liệu và trở thành người giàu có nhất. Nền tảng số do Việt Nam xây dựng và làm chủ sở hữu thì dữ liệu, sự giàu có thuộc về Việt Nam. Đây là điều rất quan trọng.

Về an toàn an ninh mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý, hiện nay các nhà mạng gần như chỉ chú trọng doanh thu, chưa nghĩ đến chuyện bảo vệ khách hàng. Hiện tại, vai trò của điện thoại ngày càng quan trọng vì nhiều thứ trong cuộc sống đều nằm trên đó. Vì thế, nhà mạng viễn thông phải nhận lấy trách nhiệm bảo vệ an toàn an, ninh mạng cho khách hàng ở mức cơ bản, từ đó nâng cao thương hiệu nhà mạng và đất nước.

Về viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, mấy năm gần đây, hạ tầng viễn thông được đầu tư rất ít, do đó chất lượng mạng Việt Nam hiện nay xuống, tốc độ không còn như trước. Bộ trưởng chỉ đạo Thứ trưởng Phạm Đức Long ra hướng dẫn đầu tư cho mạng viễn thông và giám sát việc đầu tư này hằng năm. Trên thế giới, chưa có một doanh nghiệp hạ tầng viễn thông lớn nào đầu tư dưới 15% doanh thu/năm cho hạ tầng. Việc đầu tư hạ tầng viễn thông mang lại lợi ích dài hạn cho nhà mạng.

Về trợ lý ảo, Bộ trưởng cho biết, hiện đang xây dựng và triển khai bốn trợ lý ảo: Trợ lý ảo cho cán bộ, công chức, Trợ lý ảo cho ngành tư pháp, Trợ lý ảo cho lập pháp nhằm phát hiện ra mâu thuẫn khi xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; Trợ lý ảo tương tác với người dân. Trong đó, trợ lý ảo cho thẩm phán đã làm xong và đang được Viettel hoàn thiện, nâng cấp. Đây là trợ lý hoạt động hiệu quả, đem lại thành công lớn, giúp giảm 30% thời gian xử lý công việc của thẩm phán. Bốn trợ lý ảo này sẽ làm thay đổi căn bản các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việt Nam là nước đầu tiên tiếp cận theo hướng này. Dự kiến các trợ lý ảo sẽ được demo vào tháng 11 và tháng 12-2023 và sang năm 2024 sẽ sử dụng được. 

 
Lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 9-2023, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,76%, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2022.

– Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,6 triệu thuê bao, tăng 4,25 % so với cùng kỳ năm 2022, tăng 4,1 triệu thuê bao.

– Số thuê bao sử dụng điện thoại Feature phone 22,3 triệu thuê bao, giảm 12,1 % so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 3,4 triệu thuê bao.

– Số thuê bao BRDĐ đạt 85,6 triệu thuê bao (tương ứng với 86,06 thuê bao/100 dân), tăng 3,9 % so với cùng kỳ năm 2022.

Mobile Money: Tính đến 31-8-2023, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money đạt 5,16 triệu khách hàng. Trong đó số lượng khách hàng tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt hơn 3,5 triệu khách hàng, chiếm 68% số khách hàng sử dụng dịch vụ.

* Tốc độ truy nhập Internet (theo speedtest): Tốc độ băng rộng cố định 93,11 Mbps (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn trung bình thế giới là 82,77 Mbps.

Tốc độ truy nhập Internet băng rông di động 47,08 Mbps (tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 49 và cao hơn trung bình thế giới là 43,2 Mbps).

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/nha-mang-phai-nhan-lay-trach-nhiem-bao-ve-an-toan-an-ninh-mang-cho-khach-hang-746474